Gia Lai: Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm, đại diện ngành Bảo hiểm Xã hội và ngành Y tế đã có những trao đổi thẳng thắn nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian tới.

Chặt chẽ, đúng quy trình

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 923.657 lượt người khám-chữa bệnh BHYT, trong đó, tuyến xã có 242.176 lượt. Tần suất khám-chữa bệnh BHYT là 0,67 lượt/thẻ. Bình quân chi phí của mỗi đợt điều trị ngoại trú là 197.045 đồng/lượt, nội trú 2.294.831 đồng/lượt.

 

Tập trung nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ảnh: N.N

Theo ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh: Đến thời điểm hiện tại, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám-chữa bệnh BHYT với 34 cơ sở khám-chữa bệnh trên địa bàn tỉnh theo phương thức giá dịch vụ. Trong đó, tuyến tỉnh và tương đương có 9 bệnh viện; tuyến huyện và tương đương có 22 đơn vị; tuyến xã và tương đương có 220 cơ sở. Nhìn chung, các cơ sở y tế đã thực hiện tốt công tác khám-chữa bệnh BHYT theo các điều khoản đã ký trong hợp đồng với cơ quan BHXH. Giữa 2 bên có sự phối hợp chặt chẽ, đúng quy trình trong công tác khám-chữa bệnh, giám định, thanh toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT; trao đổi, kịp thời giải quyết khó khăn, tạm ứng và thanh-quyết toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh…  

Theo BHXH tỉnh, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác khám-chữa bệnh BHYT 6 tháng đầu năm, vẫn còn một vài cơ sở chưa tuân thủ quy định nên BHXH tỉnh đã từ chối thanh-quyết toán chi phí phát sinh chưa hợp lý (trên 5,2 tỷ đồng). Cụ thể, các cơ sở này đã sai sót về thủ tục hành chính; việc áp giá, thống kê tổng hợp sai quy định (trùng lắp, thừa, ngoài danh mục, trong cơ cấu giá, giường ghép...); không thực hiện đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật; sử dụng vật tư y tế, hóa chất chưa hết định mức do Bộ Y tế quy định; do chỉ định sử dụng thuốc ngoài danh mục, không theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT và Thông tư số 05/2014/TT-BYT của Bộ Y tế…

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Tại hội nghị, những khó khăn, bất cập trong quá trình khám-chữa bệnh BHYT cũng được đại diện các cơ sở y tế nêu rõ nhằm tìm giải pháp tháo gỡ như việc chưa thống nhất, chồng chéo trong hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam dẫn đến khó khăn cho cơ sở y tế khi triển khai thực hiện. Theo quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BYT, cơ sở khám-chữa bệnh hiện đang lúng túng trong việc đấu thầu vật tư y tế, chưa có vật tư y tế sử dụng phát sinh trong thời gian chờ kết quả trúng thầu. Hoặc yêu cầu bắt buộc tất cả các cơ sở khám-chữa bệnh BHYT phải chuẩn hóa toàn bộ danh mục được sử dụng để đưa lên Cổng giám định BHYT và cơ quan BHXH ánh xạ theo các quy định của cơ quan thẩm quyền. Tuy nhiên, có nhiều danh mục dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành trong danh mục tương đương còn chậm, chưa đúng, đủ nên gây khó khăn khi thực hiện.

Một trong những vướng mắc khác mà các cơ sở khám-chữa bệnh quan tâm là việc BHXH từ chối thanh toán chi phí phẫu thuật tại cơ sở không có bác sĩ gây mê hồi sức. Quy định này là phù hợp nhưng đối với một tỉnh miền núi, nhân lực còn thiếu thì cần xem xét lại. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa-chia sẻ: Thông tư 13/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về “Hướng dẫn công tác gây mê hồi sức” quy định nhân lực cho mỗi ca phẫu thuật tối thiểu gồm 1 bác sĩ gây mê hồi sức, 1 điều dưỡng viên gây mê hồi sức, 1 điều dưỡng viên làm nhiệm vụ dụng cụ, 1 điều dưỡng viên làm nhiệm vụ vòng ngoài và 1 hộ lý. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay thì quy định này chưa phù hợp với thực tế nhân lực tại tỉnh. “Hiện toàn tỉnh còn thiếu bác sĩ, bác sĩ gây mê lại càng thiếu… Thử hỏi toàn tỉnh có bao nhiêu cơ sở khám-chữa bệnh có bác sĩ gây mê hồi sức? Bệnh nhân trong trường hợp nguy kịch đến cấp cứu không phẫu thuật thì nguy hiểm tính mạng, mà phẫu thuật không có bác sĩ gây mê hồi sức thì BHXH không thanh toán… Quy định như trên rõ ràng gây khó cho cơ sở khám-chữa bệnh BHYT và ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”-bác sĩ Bửu bức xúc.

Ghi nhận những kiến nghị mà cơ sở khám-chữa bệnh đã nêu, ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tập hợp, trực tiếp giải đáp ngay các thắc mắc trong phạm vi chức năng, quyền hạn; đồng thời đề nghị cả 2 ngành cùng phối hợp tìm biện pháp tháo gỡ. Riêng những vấn đề thuộc về chuyên môn, ông Trần Duy Linh-Phó Giám đốc Sở Y tế-cho biết: Sau hội nghị này, ngành Y tế sẽ tổ chức một buổi giao ban riêng và những vấn đề đặc thù, chuyên môn của ngành sẽ được thảo luận sâu hơn nhằm tìm biện pháp tháo gỡ, qua đó nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh nói chung và khám-chữa bệnh BHYT nói riêng trong thời gian tới.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm