(GLO)- Nhằm nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ an toàn vệ sinh viên (ATVSV), hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ ATVSV, đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) bằng nhiều hình thức.
Thúc đẩy sản xuất an toàn
Tại nhiều doanh nghiệp, việc duy trì hoạt động của đội ngũ ATVSV đã góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Ông Phan Chí Công Danh-Trưởng phòng Kỹ thuật và An toàn (Công ty Thủy điện Ia Ly)-cho biết: Công ty luôn xác định công tác ATVSLĐ và phòng-chống cháy nổ đóng vai trò quan trọng. Đơn vị đã thành lập Hội đồng ATVSLĐ gồm 8 thành viên do Phó Giám đốc Công ty làm Chủ tịch Hội đồng. Bên cạnh đó là mạng lưới ATVSV gồm 20 người, có quy chế hoạt động cụ thể, thực hiện đúng các quy định trong quy trình an toàn điện, góp phần hạn chế thấp nhất sự cố thiết bị do vi phạm quy trình hoặc tai nạn lao động xảy ra.
Có hơn 20 năm làm nhiệm vụ ATVSV, anh A Ram-công nhân Nhà máy Thủy điện Ia Ly-chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của tôi là thống kê đánh giá, phân tích tình trạng kỹ thuật các tổ máy về những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến gây tai nạn lao động. Khi phát hiện những nguy cơ mất an toàn, tôi kiến nghị, đề xuất lãnh đạo đơn vị thay thế, khắc phục. Nhờ đó, Nhà máy hạn chế được nhiều nguy cơ mất an toàn trong sản xuất điện”.
Để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ ATVSV và người lao động, hàng quý, Công ty tổ chức các khóa tập huấn đào tạo về ATVSLĐ; khen thưởng cho các ATVSV và người lao động có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ; hàng năm tổ chức hội thi ATVSV giỏi; kiểm tra chấm điểm công tác bảo hộ lao động.
Ông Hoàng Du-Chủ tịch Công đoàn Công ty cà phê Ia Sao 1-cho biết: Hiện mạng lưới ATVSV của đơn vị gồm 18 người. Họ là những tổ trưởng sản xuất được trang bị những kiến thức cơ bản về ATVSV, thực hành kỹ năng về sơ-cấp cứu...
Ông Nguyễn Văn Tuấn-Tổ trưởng tổ 1 kiêm ATVSV Công ty Cà phê Ia Sao 1-cho hay: “Tôi thường nhắc nhở mọi người phải thực hiện 4 đúng: “phương pháp, thời điểm, đúng bệnh và đúng thuốc”. Như vậy, người lao động không chỉ phòng ngừa được bệnh nghề nghiệp mà còn góp phần vào hiệu quả trong sản xuất”.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang tham gia Hội thi ATVSV giỏi. Ảnh: Đinh Yến |
Kiện toàn đội ngũ ATVSV
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 mạng lưới ATVSV. Nhằm nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ ATVSV, hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ ATVSV, đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSLĐ bằng nhiều hình thức.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa dành sự quan tâm đúng mức, chưa xây dựng được đội ngũ ATVSV hoặc có nhưng chỉ mang tính chất đối phó, hình thức. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Theo ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra, các cấp Công đoàn cần tiếp tục kiện toàn, củng cố đội ngũ ATVSV. Chú trọng tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho đội ngũ ATVSV. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác ATVSLĐ.
“Người lao động và doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, mạng lưới ATVSV phối hợp với Công đoàn xây dựng kế hoạch, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATVSLĐ và xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”-ông Tùng nhấn mạnh.
ĐINH YẾN