Đô thị

Gia Lai nâng cao năng lực lập, quản lý quy hoạch xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai vừa mở các lớp tập huấn công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng cho cán bộ cấp xã và cấp huyện. Việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu lập, quản lý quy hoạch bảo đảm chất lượng, bài bản và có tầm nhìn dài hơi.

Theo Luật Xây dựng, quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác lập quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị còn nhiều hạn chế.

Theo bà Nguyễn Lan Viên-Phó Viện trưởng Viện Quản lý phát triển đô thị (Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị), những hạn chế đó thể hiện ở việc chất lượng đồ án quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn, dự báo còn thiếu tính khoa học và khả thi; quy hoạch thiếu gắn kết các chương trình, dự án đầu tư, xây dựng công trình và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thiếu nội dung thiết kế đô thị.

Cùng với đó, trình độ, năng lực của cán bộ quản lý đô thị, tư vấn, lập đề án quy hoạch còn hạn chế; chưa có cơ chế thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan trong lập và thẩm định quy hoạch tại địa phương, nội dung góp ý còn chung chung, chưa thực sự đóng góp cho chất lượng đồ án quy hoạch.

Cán bộ tham gia lớp tập huấn về lập, quản lý quy hoạch xây dựng do Sở Xây dựng tổ chức. Ảnh: H.D

Cán bộ tham gia lớp tập huấn về lập, quản lý quy hoạch xây dựng do Sở Xây dựng tổ chức. Ảnh: H.D

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết: “Công tác quy hoạch giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước và được xác định là một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ phủ kín quy hoạch còn khá thấp. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế về năng lực thực hiện quy hoạch và nhận thức pháp luật về quy hoạch xây dựng”.

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định vai trò, vị thế của đô thị và đô thị hóa trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW, việc nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị dựa trên các nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân cần được ưu tiên từ cấp xã trở lên.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như nâng cao năng lực lập, quản lý quy hoạch xây dựng, mới đây, Sở Xây dựng đã mở các lớp tập huấn về công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng cho đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp huyện.

Lớp tập huấn tập trung vào các nội dung như: cập nhật, bổ sung thông tin, các chính sách và văn bản pháp luật mới về quản lý quy hoạch xây dựng; hướng dẫn các kỹ năng thực hiện công tác tổ chức lập và quản lý quy hoạch xây dựng... Bên cạnh đó, học viên còn trao đổi kinh nghiệm giải quyết các tình huống gắn liền với vai trò, nhiệm vụ quản lý nhà nước và liên hệ với thực tiễn địa phương.

Quy hoạch là cơ sở, tiền đề để địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo đúng định hướng dựa trên thế mạnh thực tế. Ảnh: Hà Duy

Quy hoạch là cơ sở, tiền đề để địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo đúng định hướng dựa trên thế mạnh thực tế. Ảnh: Hà Duy

Việc tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên môn thực hiện công tác quản lý nhà nước về lập và quản lý quy hoạch xây dựng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ những cán bộ trực tiếp tham dự các lớp học.

Ông Nguyễn Văn Hoàng-Công chức Địa chính xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Công tác lập quy hoạch được lấy ý kiến từ thôn, sau đó, xã tổng hợp để đề xuất lên huyện.

Thực tế cho thấy, cán bộ làm công tác tham mưu lập quy hoạch phải có kiến thức về công tác này, như việc đề xuất xây dựng khu sản xuất, trại chăn nuôi... có phù hợp với tình hình thực tế của địa phương không?

Nếu phù hợp thì khu sản xuất, trại chăn nuôi đó phải đảm bảo các vấn đề về môi trường ra sao theo quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nếu không hiểu được những điều này sẽ rất khó trong công tác tham mưu”.

Còn ông Dương Thái Thế-Công chức Địa chính-Xây dựng xã Xuân An (thị xã An Khê) cho hay: “Xã Xuân An nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung đang trên đà phát triển, theo đó, cần phải có quy hoạch mang tính chiến lược và phù hợp với địa phương.

Cán bộ phụ trách mảng này cũng cần cập nhật những thông tin mới về công tác quản lý quy hoạch xây dựng. Thực tế cho thấy, hầu hết các quy hoạch trước kia đều chưa khả thi, chưa có tầm nhìn đáp ứng được tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.

Vì vậy, việc được tham dự các lớp tập huấn chuyên môn đối với những cán bộ địa chính như chúng tôi rất cần thiết, nhất là trong thời điểm đang hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch xã”.

Có thể bạn quan tâm