Bạn đọc

Gia Lai: Ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, tại một số địa phương ở Gia Lai liên tiếp xảy ra tình trạng xâm hại tài nguyên rừng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương điều tra làm rõ và kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại rừng.
Phát hiện nhiều vụ khai thác gỗ trái phép
Khoảng 2 giờ 30 phút ngày 11-8, tại khoảnh 6, tiểu khu 1203 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố và Công an huyện đã phát hiện 3 đối tượng đang sử dụng xe công nông vận chuyển lâm sản trái phép. Lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã bỏ trốn để lại hiện trường 1 xe công nông cùng 24 lóng gỗ với khối lượng 7,237 m3 gỗ, chủng loại bằng lăng và sui.
Tiếp tục truy theo dấu vết, cách vị trí trên khoảng 700 m, đoàn kiểm tra phát hiện thêm một điểm tập kết gỗ với số lượng 71 hộp, khối lượng 4,289 m3 gồm nhiều chủng loại gỗ như: căm xe, bằng lăng, bình linh. Một ngày sau, đoàn kiểm tra tiếp tục phát hiện tại khoảnh 5, khoảnh 6, tiểu khu 1202 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố có 66 gốc cây bị chặt hạ gồm các chủng loại: căm xe, bằng lăng, bình linh, sui, kơnia, cà chít.
Trước đó, ngày 3-8, qua tuần tra, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr cũng đã phát hiện tại lô 12, khoảnh 4, tiểu khu 981 (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) có 1 cây bằng lăng bị cưa hạ với đường kính gốc 60 cm. Tại hiện trường còn lại 2 lóng gỗ với khối lượng 0,204 m3. Tổ tuần tra xác định thời gian cưa hạ khoảng 18 giờ ngày 2-8.
Cây gỗ hương đã bị khai thác tại vườn nhà ông Rchâm Bor (xã Gào, TP. Pleiku). Ảnh: N.D
Cây gỗ hương bị khai thác tại vườn nhà ông Rchâm Bor (xã Gào, TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp
Trước diễn biến phức tạp của nạn khai thác gỗ trái phép, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý. Theo đó, đoàn kiểm tra của tỉnh và các ngành chức năng huyện Chư Prông đã kiểm tra dọc tuyến tỉnh lộ 663 và phát hiện 6 cây gỗ dầu bị chặt hạ rải rác ở các tiểu khu 933, 926 và 92 trong diện tích 100 m2 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch quản lý.
Mới đây, ngày 18-8, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã phát hiện tại vườn điều 20 năm tuổi của ông Rchâm Bor (làng D, xã Gào, TP. Pleiku) đang khai thác và vận chuyển ra khỏi vườn 4 cây gỗ hương có đường kính gốc cây trung bình khoảng 40 cm cùng với 2 cây đã khai thác và chưa vận chuyển; trong vườn còn lại 13 cây. Qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, đây là đất rẫy đã trồng điều lâu năm, nằm ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp.
Ông Bor cho biết: Số cây gỗ hương nói trên do gia đình gây trồng từ nhiều năm trước. Qua kiểm tra thực tế, UBND xã Gào cũng đã có văn bản yêu cầu ông Rchâm Bor ngừng khai thác số cây còn lại, đồng thời bảo quản 2 cây đã chặt hạ và cam kết không mua bán 2 gốc đã chặt.
Tăng cường kiểm tra và xử lý triệt để
Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Đối với 2 vụ khai thác rừng trái phép tại các huyện Ia Pa và Chư Prông, lực lượng Kiểm lâm huyện và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ đã phát hiện và có các giải pháp ngăn chặn, phối hợp với các ngành chức năng mở rộng điều tra, xử lý theo quy định.
Kiểm lâm huyện Kbang tuyên truyền vận động người dân không xâm hại tài nguyên rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Kiểm lâm huyện Kbang tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại tài nguyên rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Riêng vụ khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 1203 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các lực lượng liên ngành, Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng tăng cường lực lượng phối hợp với Hạt kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng, cùng các lực lượng chức năng của huyện Ia Pa tổ chức tuần tra, truy quét lâm tặc trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thành lập đoàn công tác chuyên đề phối hợp với các ngành chức năng của huyện Ia Pa tiến hành điều tra, ngăn ngừa vi phạm gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Về trường hợp của ông Rchâm Bor, theo ông Hoan, việc khai thác lâm sản trên đất nông nghiệp do chủ sở hữu quyết định. Tuy nhiên, khi khai thác, chủ sở hữu phải báo với chính quyền địa phương để xác nhận nguồn gốc lâm sản. Riêng đối với những loài cây trồng quý hiếm khi khai thác với mục đích thương mại, chủ sở hữu phải có phương án khai thác và báo với cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp cấp tỉnh để giám sát thực hiện.
NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm