Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Nghiệm thu dự án xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 9-6, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Hội đồng KH-CN chuyên ngành tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị nghiệm thu dự án: “Xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản địa phương theo hướng hàng hóa tại Gia Lai”. Đề tài do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu chủ trì thực hiện và Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc làm chủ nhiệm.
Được thực hiện từ năm 2018 tại các huyện có diện tích canh tác lúa cạn bản địa lớn là Mang Yang và Kông Chro với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, dự án được phát triển từ đề tài: “Thu thập, tuyển chọn và bảo tồn các giống lúa cạn bản địa để phát triển thành các giống lúa đặc sản của tỉnh Gia Lai”. Theo đó, các giống lúa cạn như Ba Chăm, Ba Jú, Ba Ruê đã được đánh giá, tuyển chọn. Đây là những giống lúa cạn sinh trưởng khỏe, ít bị nhiễm sâu bệnh, thích nghi cao với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chất lượng thơm ngon, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Dự án xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản địa phương theo hướng hàng hóa được triển khai nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và góp phần tăng hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế cho người trồng lúa. 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung
Hơn 50 hộ dân tham gia dự án đã được tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác 3 giống lúa cạn là Ba Chăm, Ba Jú và Ba Ruê theo hướng hữu cơ. Người dân được cấp phát giống lúa, phân bón cũng như được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Trên cơ sở phát huy lợi thế và sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai theo hướng bền vững, dự án đã tổ chức xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu theo hướng hàng hóa tập trung.
Theo đó, vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản được xây dựng với diện tích 80 ha, có năng suất 3,5-4,0 tấn/ha. Dự án cũng đã liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 
Các đại biểu tham dự hội nghị đã đề nghị tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa cạn theo hướng hàng hóa để đảm bảo nguồn nguyên liệu lúa đặc sản cung cấp cho thị trường, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. 
Tại hội nghị, Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành đã đánh giá đề tài đạt yêu cầu.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm