Đô thị

Gia Lai: Nguy cơ ô nhiễm môi trường đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải công nghiệp và nước sinh hoạt đúng quy chuẩn; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân chưa chú trọng việc bảo vệ môi trường nên các đô thị trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường sống rất cao…

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, vấn đề nước thải, chất thải của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở chăn nuôi, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh chủ yếu xảy ra ở các khu đô thị lớn như: TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa, An Khê và khu vực trung tâm của một số huyện.

 

Lò đốt của Nhà máy rác An Khê vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: L.A
Lò đốt của Nhà máy rác An Khê vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: L.A

Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập các Công ty hoặc Đội Công trình Đô thị với chức năng thu gom và xử lý chất thải. Tuy nhiên, công tác thu gom và xử lý chưa đáp ứng được với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn. Hầu hết lượng chất thải sinh hoạt đều không được phân loại từ đầu nên trong quá trình thu gom có cả các chất thải rắn chứa thành phần độc hại như: pin, ắc quy, bóng đèn từ các hộ gia đình và chất thải y tế từ các phòng khám tư nhân. Đã vậy, hầu hết các địa phương hiện chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đúng quy chuẩn môi trường mà chủ yếu là các bãi chất thải rắn sinh hoạt lộ thiên và không có các biện pháp xử lý, kiểm soát ô nhiễm. Sau một thời gian dài chôn lấp, các bãi rác này gây ra ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước ngầm... ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của người dân sinh sống tại vùng lân cận, làm gia tăng phát sinh mêtan-một loại khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 địa phương là TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Sê và huyện Phú Thiện đã lập dự án bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, mới chỉ có bãi rác TP. Pleiku đã đi vào hoạt động với 2 hố chôn lấp; các địa phương còn lại đang gặp khó vì thiếu nguồn kinh phí. Để đánh giá những tác động môi trường từ các bãi rác thải này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thu mẫu phân tích mẫu nước rỉ rác (chưa qua xử lý) từ bãi rác TP. Pleiku. Kết quả cho thấy có 2/5 chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép là chỉ tiêu COC vượt hơn 49 lần; nitơ vượt hơn 20 lần. Từ đó cho thấy, nước rỉ rác tại các bãi rác khác trên địa bàn tỉnh cũng có những chỉ tiêu vượt quy chuẩn như trên.

Bên cạnh đó, vấn đề chất thải rắn từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, các cơ sở sản xuất nằm đơn lẻ ngoài khu-cụm công nghiệp cũng là điều đáng lo ngại. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện khối lượng rác thải rắn từ các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh ước tính trên hệ số phát thải là 0,1 tấn/ha đất công nghiệp/ngày. Trong đó, 70-75% là thành phần có thể thu hồi tái sử dụng được, còn lại là chất thải nguy hại chưa được xử lý. Dù số lượng trên chưa cao, nhưng trong tương lai, khi lĩnh vực công nghiệp ngày càng phát triển thì vấn đề chất thải rắn công nghiệp sẽ trở nên phức tạp và cấp bách. Đặc biệt là các hành vi vi phạm trong quá trình vận chuyển, xử lý chất thải và trao đổi chất thải trên thị trường liên tỉnh. Còn đối với các cơ sở sản xuất đơn lẻ, dù chủ cơ sở có cam kết thu gom hết tất cả các chất thải có thể tái sử dụng, thậm chí là cả chất thải nguy hại, tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế thì sau khi thu gom, họ chỉ tận thu những chất thải có thể tái sử dụng, còn lại chất thải không sử dụng được và chất thải nguy hại, phần chất trơ thì đổ bừa ra môi trường.

 

Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh: “Ngoài một số vấn đề liên quan đến chất thải rắn, chất thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt như đã biết thì hiện nay nổi lên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ chất thải xây dựng, bùn bể phốt. Do hiện nay chưa có địa phương nào quy hoạch được các bãi chứa các loại chất thải này, các đơn vị, cá nhân dù đứng ra nhận thu gom nhưng cũng chưa được cấp phép nên trong quá trình hoạt động thường lén lút đổ chất thải bừa bãi ra nơi vắng vẻ, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn cho việc xử lý của cơ quan chức năng…”.

Ngoài ra, vấn đề nước thải từ quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở, nước thải sinh hoạt ở khu dân cư cũng đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Theo ước tính, nước thải từ hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh  vào khoảng 5.386.103 m3/năm. Dù đã có quy định về môi trường khi các cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp phải báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường bao gồm đề xuất giảm thiểu ô nhiễm nước thải sản xuất của các cơ sở công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải phải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường tự nhiên, tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở sản xuất vẫn cố tình vi phạm. Điều này đã khiến nguồn nước trên các sông, suối tại một số nơi bị ô nhiễm như: suối Hội Phú, Ia Sol (TP. Pleiku), sông Ba tại thị xã An Khê…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 7 vụ vi phạm trong lĩnh vực này với tổng số tiền hơn 31 triệu đồng. Trong đó, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi xả thải làm ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong dư luận đã bị xử lý nghiêm như: Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty TNHH 30-4 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku); Trạm trộn Bê tông thuộc Công ty cổ phần Bê tông Chiến Thắng (xã Chư Á, TP. Pleiku); 2 trang trại nuôi heo tại xã Hneng (huyện Đak Đoa) và tổ 6, phường Thống Nhất, TP. Pleiku…

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm