Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai "Nhà nông đua tài"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự tìm tòi, hiểu biết và lối diễn xuất mộc mạc, 120 thí sinh đến từ 16 đội thi của Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đem đến cho Hội thi Nhà nông đua tài lần thứ IV một không khí vui tươi, bổ ích.

Tham gia hội thi, các đội lần lượt trải qua 4 phần thi gồm: lời chào nhà nông, ai giỏi hơn ai, cùng nhau giải đáp và ý tưởng sáng tạo nhà nông. Hội thi được đánh giá là thành công ngoài mong đợi nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ kiến thức đến kịch bản tiểu phẩm, kỹ năng thuyết trình, diễn xuất của các thí sinh, đặc biệt là có nhiều ý tưởng sáng tạo. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho Hội Nông dân TP. Pleiku cùng 2 giải nhì, 3 giải ba, 10 giải khuyến khích.

Sân chơi bổ ích

 

 Phần thi của Hội Nông dân huyện Kbang để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Ảnh: H.T
Phần thi của Hội Nông dân huyện Kbang để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Ảnh: H.T

Hội thi được tổ chức không những tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các thí sinh là cán bộ, hội viên và nông dân trên toàn tỉnh. Ở phần thi lời chào nhà nông, các đội đã đem đến cho hội thi một không khí vui tươi, sôi động khi giới thiệu về Hội, tình hình phát triển kinh tế-xã hội, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình một cách chất phác, mộc mạc, dí dỏm thông qua những câu vè, tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ tự sáng tác. Ở phần thi ai giỏi hơn ai và cùng nhau giải đáp, các đội thi không chỉ mang đến một không khí hồi hộp về sự rượt đuổi điểm số giữa các đội mà còn cho thấy sự hiểu biết của các thí sinh về vai trò của cán bộ Hội cơ sở trong tuyên truyền, vận động hội viên; hoạt động Hội và các phong trào nông dân; phong trào xây dựng nông thôn mới; những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, phần thi ý tưởng sáng tạo nhà nông cũng đã đem đến cho hội thi nhiều hình ảnh hấp dẫn về những sáng kiến kinh nghiệm trong xây dựng Hội, trong sản xuất nông nghiệp.

Thí sinh Nguyễn Thị Hằng (Hội Nông dân huyện Chư Prông) chia sẻ: Hội thi lần này được tổ chức quy mô với độ khó cao hơn, tầm hiểu biết rộng hơn, đòi hỏi các thí sinh phải chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kiến thức lẫn cách thể hiện. Đây cũng là cơ hội để các thí sinh nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các kinh nghiệm trong sản xuất. Trong đó, quan trọng nhất là nắm được các chủ trương về vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và liên kết “4 nhà” để vận dụng vào sản xuất có hiệu quả. Còn với thí sinh Chu Thị Phất (Chi hội trưởng chi hội 6-Hội Nông dân xã Ia Bă, huyện Ia Grai), việc tham gia hội thi đã giúp chị tìm ra nhiều biện pháp trong vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm cho nông dân ở cơ sở và đặc biệt là kinh nghiệm chăm sóc khi cây trồng bị bệnh (chủ yếu là hồ tiêu và cà phê); cách sửa chữa các loại máy móc, dụng cụ nông nghiệp phục vụ sản xuất, góp phần giảm lao động tay chân…

Nhiều ý tưởng sáng tạo

Theo đánh giá của ông Đỗ Văn Luân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng ban tổ chức hội thi, từ hội thi lần này đã xuất hiện nhiều ý tưởng hay, cho thấy trình độ dân trí của nông dân trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao rõ rệt. Với hình thức sân khấu hóa, nhiều ý tưởng sáng tạo trong xây dựng tổ chức Hội, trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là trong chăm sóc cây trồng đã được các đội thi chuyển tải đến khán giả một cách độc đáo và hấp dẫn. Có thể kể đến ý tưởng làm phân vi sinh từ rau xanh giúp giảm chi phí đầu tư phân bón và làm đất tơi xốp của Hội Nông dân huyện Đak Pơ; ý tưởng sáng tạo dụng cụ đo lường của anh Nguyễn Văn Quang (Hội Nông dân huyện Chư Pưh) giúp nông dân cân bằng lượng dinh dưỡng cung cấp cho các trụ hồ tiêu.

Ý tưởng về “Một số giải pháp về nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm rau trên thị trường” của Hội Nông dân TP. Pleiku cũng nhận được sự tán đồng từ đông đảo thí sinh đội bạn cũng như Ban giám khảo. Theo đó, các nông dân sẽ liên kết với nhau để thành lập tổ hợp tác sản xuất liên doanh và thực hiện liên kết 4 nhà gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp để sản xuất rau an toàn, có thương hiệu, được người dân tin dùng. Chị Nguyễn Thị Hiệp-Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Pleiku cho biết: “Việc sản xuất rau an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, được các cơ sở thu mua ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn sẽ là cơ hội để nông dân nâng cao thu nhập. Vì vậy, chúng tôi mong bà con sản xuất theo mô hình này để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo sức khỏe, góp phần phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà sạch và bền vững”.  

Đặc biệt, sáng kiến làm bừa cỏ mì đã giúp thí sinh Phạm Văn Tỉnh (Hội Nông dân huyện Krông Pa) đạt giải “Ý tưởng sáng tạo nhất hội thi”. Thí sinh Phạm Văn Tỉnh chia sẻ: “Mỗi chiếc bừa được gia công lại từ chảo máy cày cũ và một ít sắt nên chi phí thấp, chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/cái. Khi sử dụng chiếc bừa này để làm cỏ, nông dân không chỉ làm cỏ nhanh hơn mà còn giảm được 6 triệu đồng/ha chi phí làm cỏ cho một vụ mì. Vì vậy, đến với hội thi này, tôi mong muốn bà con sẽ biết đến dụng cụ sản xuất này để đưa vào sử dụng nhằm giảm chi phí, công sức cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm