Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Nhà vườn lo lắng hoa Tết khó tiêu thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nhà vườn ở Gia Lai trồng cúc chậu chưng Tết đang lo lắng khi chỉ hơn 3 tuần nữa là đến Tết Tân Sửu nhưng vẫn chưa nhận được nhiều đơn đặt hàng như các năm trước.

Vắng khách mua

Những ngày này, từ tờ mờ sáng đến tối muộn, mẹ con bà Trần Thị Thắm (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) luôn làm việc tại vườn cúc Tết. “Năm nay, hoa cúc chậu rất đẹp, cây nào cây nấy đều bụ bẫm. Vậy mà vắng người mua”-bà Thắm cho hay.

Năm nay, gia đình bà Trần Thị Thắm (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) ưu tiên trồng các loại cúc chậu cỡ trung và đại. Ảnh: Lê Hòa
Năm nay, gia đình bà Trần Thị Thắm (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) ưu tiên trồng các loại cúc chậu cỡ trung và đại. Ảnh: Lê Hòa


Vụ cúc Tết này, gia đình bà Thắm trồng 800 chậu cúc pha lê. “Các năm trước, cứ đến rằm tháng 11 Âm lịch là tôi bán hết cúc chậu. Khách đến sau không có để mua. Giờ hết tháng 11 Âm lịch mà chỉ có vài người đến hỏi mua. Nhà tôi có lượng khách sỉ quen qua nhiều năm nhưng đến giờ cũng mới bán được khoảng 500 chậu. Khách mới đến đặt vấn đề thôi, không mạnh dạn cọc tiền như các năm trước. Họ lo năm nay kinh tế khó khăn, dân mua hoa chưng Tết không nhiều”-bà Thắm băn khoăn. Tuy vậy, so với nhiều nhà vườn khác, bà Thắm đã bán được nhiều hơn.

Bà Đoàn Thị Thao (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cho hay: “Gia đình tôi mới chỉ bán được tầm 200 chậu, chưa được 1/3 số chậu trong vườn, trong khi đầu vụ đã chủ động cắt giảm hơn 200 chậu so với vụ trước. Thấy sức mua yếu, nhà vườn chủ động cắt giảm khoảng 10% giá sỉ để hỗ trợ bên mua”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hiệp (cùng ở tổ 3) cũng lo lắng: Gia đình tôi mới bán được 320/900 chậu cúc Tết. Tầm này mọi năm, thương lái đã đến đặt mua hết.

Tại thị xã An Khê, thời tiết diễn biến khá bất lợi cho cây hoa cúc. Chị Nguyễn Thị Hồng Lạc (tổ 8, phường An Phú) cho biết: Chuẩn bị cho mùa hoa Tết năm nay, gia đình chị trồng 350 chậu cúc. Mưa rét kéo dài khiến cây chậm phát triển, nấm bệnh liên miên buộc nhà vườn phải tăng liều lượng và số lần phun thuốc để có được những chậu nở đúng dịp Tết. Do đó, chi phí đầu tư tăng 20-30% so với năm trước.

“Tầm này năm ngoái đã có một số thương lái đến đặt cọc, giá sỉ nhà vườn 170-280 ngàn đồng/chậu tùy lớn nhỏ. Năm nay, họ chỉ đến xem và đặt vấn đề qua loa chứ chưa đặt hàng. Hy vọng vài ngày tới, tình hình khả quan hơn”-chị Lạc nói.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lạc (tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê) vừa chăm sóc vườn hoa vừa hy vọng những ngày giáp Tết tình hình mua bán khả quan hơn- Ảnh Ngọc Minh
Chị Nguyễn Thị Hồng Lạc (tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê) vừa chăm sóc vườn hoa, vừa hy vọng những ngày giáp Tết tình hình mua bán khả quan hơn. Ảnh: Ngọc Minh


Tương tự, ông Trần Trí Tâm (tổ 3, phường Ngô Mây) cũng đang tích cực chăm sóc 900 chậu cúc pha lê và 100 chậu cúc đại đóa. “Nếu như đầu tháng Chạp năm trước, tôi đã bỏ sỉ gần hết thì năm nay lác đác mấy mối quen đến xem nhưng chưa đặt cọc tiền. Tôi đã chủ động liên hệ với những mối quen để bán hàng nhưng chưa thấy hồi đáp”-ông Tâm không giấu được nỗi lo lắng.

Tìm hướng tiêu thụ

Thông thường, tầm giữa tháng 11 Âm lịch thì các nhà vườn đã bán hết hoa, chỉ chăm lo tưới tắm đến tầm 20 tháng Chạp để bàn giao cho thương lái. “Năm nay, tôi đã đầu hơn 70 triệu đồng tiền vốn, chưa kể công cán của cả gia đình hơn nửa năm trời chăm sóc. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án rao bán trên mạng hoặc cần thì đưa ra chợ hoa Xuân bày bán nếu không đổ sỉ hết tại vườn. Nhưng như vậy vất vả lắm”-bà Thắm nói.

Thời tiết bất lợi cộng thêm những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người trồng hoa ở thị xã An Khê thêm lo lắng-Ảnh Ngọc Minh.jpg
Thời tiết bất lợi cộng thêm những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người trồng hoa ở thị xã An Khê thêm lo lắng. Ảnh: Ngọc Minh


Còn với hộ ông Tâm, năm ngoái, gia đình trồng 500 chậu cúc, lợi nhuận thu về trên 40 triệu đồng. Vụ hoa Tết năm nay, ông mạnh dạn tăng gấp đôi số lượng, lại gặp thời tiết không thuận nên chi phí đầu tư vào vườn cúc đến giờ đã hơn 100 triệu đồng. “Tình hình này khiến tôi rất lo”-ông Tâm buồn bã nói.

Ông Đỗ Văn Hùng-Chủ nhiệm Nông hội hoa, cây cảnh An Khê-cho biết: Năm nay, các nhà vườn trên địa bàn thị xã trồng khoảng 50.000 chậu cúc, chủ yếu là cúc đại đóa và pha lê. “Vào thời điểm này năm ngoái đã có nhiều thương lái đến đặt hàng. Năm nay, bà con mới chỉ bán được số ít cho một vài mối quen. Thời tiết bất lợi có thể sẽ khiến cây hoa không đẹp bằng những năm trước, lại gặp khó khăn do dịch Covid-19 nên dự báo giá cả sẽ giảm khoảng 20%, trong khi chi phí đầu tư của nhà vườn lại tăng cao hơn”-ông Hùng nói.

Bà Ngô Thị Hải Xuân-Chủ tịch Hội Nông dân phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) cho hay: Chúng tôi dự kiến triển khai một số phương án hỗ trợ bà con nông dân như: đăng tin tìm mối tiêu thụ, kêu gọi người dân mua hoa Tết trên các trang thông tin của Hội…

 

 LÊ HÒA-NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm