Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Nhiều bất cập trong quản lý rừng ở cấp xã

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Diện tích rừng lớn, trong khi lực lượng giữ rừng mỏng, chủ yếu là cán bộ đoàn thể xã kiêm nhiệm nên việc tuần tra bảo vệ rừng không được thường xuyên và hiệu quả. Bất cập này chỉ được giải quyết khi diện tích trên được giao cho cộng đồng, nhóm hộ hay cơ quan chuyên trách là các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp.

Cán bộ xã kiêm bảo vệ rừng

Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 137 UBND xã, thị trấn đang quản lý hơn 211,2 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, nhiều xã quản lý đến hơn 20 ngàn ha rừng nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chính vì vậy, tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn còn xảy ra ở các lâm phần được giao cho chính quyền các xã quản lý.

Ông Trần Thanh Tuấn-Chủ tịch UBND xã Hà Ra (huyện Mang Yang) cho biết: Xã được giao quản lý gần 400 ha rừng tự nhiên, trong khi không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mà chủ yếu là cán bộ, công chức kiêm nhiệm. Tổ quản lý rừng của xã do 1 Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, các thành viên là cán bộ, công chức các ngành, đoàn thể như: Tư pháp, Công an, Quân sự, Văn hóa-Thông tin. Ngoài công việc chuyên môn, họ phải thay ca trực tuần tra bảo vệ rừng. Vì kiêm nhiệm nên nhiệm vụ này không thể thực hiện thường xuyên, liên tục. Mặt khác, áp lực trách nhiệm lớn nhưng các thành viên chỉ được hỗ trợ tiền ăn, tiền xăng xe tổng cộng không quá 200 ngàn đồng cho mỗi ngày lội rừng.

 Người dân làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn



Ủy ban nhân dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) được giao quản lý, bảo vệ gần 14 ngàn ha rừng. Ngoài việc xử lý công việc chuyên môn ở cơ quan, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Anh còn phải sắp xếp thời gian để cùng lực lượng dân quân tuần tra bảo vệ diện tích rừng quản lý. Thiếu nhân lực, chính quyền xã phải thuê khoảng 20 người dân làm công việc thời vụ vào rừng dựng chốt canh gác. Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết, từ năm 2021 đến nay, ông cùng tập thể UBND xã và lực lượng bảo vệ rừng bị kiểm điểm trách nhiệm vì chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng. “Ban ngày thì làm việc ở trụ sở, còn đêm thì mắc võng ở rừng cùng anh em canh gác, giữ rừng. Có thời điểm tập trung hết vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nên việc theo dõi, chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương bị hạn chế”-ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Cũng bởi những bất cập nêu trên mà gần 4 ngàn ha rừng phòng hộ do xã Hbông (huyện Chư Sê) quản lý liên tục bị xâm hại. Xã đã bố trí cán bộ kiêm nhiệm, huy động lực lượng dân quân và Kiểm lâm địa bàn bảo vệ nhưng không xuể. Chỉ tính từ tháng 9-2021 đến tháng 7-2022, khoảng 23,5 ha rừng do xã quản lý đã bị lâm tặc cày ủi, san phẳng trồng bạch đàn. Chỉ đến khi cây bén rễ phát triển thì chủ rừng mới phát hiện. Hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng được chính quyền địa phương này lý giải là do lực lượng giữ rừng mỏng, địa bàn nằm ở xa, đường sá đi lại cách trở; UBND xã chỉ thực hiện vai trò quản lý nhà nước chứ không phải là cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Đề xuất giao rừng cho cộng đồng quản lý

Theo ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang): Trước đây, lực lượng giữ rừng chủ yếu là cán bộ đoàn thể xã kiêm nhiệm nên việc tuần tra bảo vệ không được thường xuyên, khiến rừng liên tục bị xâm hại. Từ việc giao khoán thí điểm 400 ha rừng cho 2 cộng đồng làng Ktu và Deng, xã lần lượt nâng lên hơn 4.296 ha rừng cho 4 cộng đồng. Đồng thời, năm 2021, thông qua kế hoạch giao đất, giao rừng trên địa bàn được UBND tỉnh phê duyệt, xã tiếp tục giao khoán hơn 1.636 ha rừng và đất lâm nghiệp cho 113 hộ dân ở các làng: Đak Ó, Deng, Klah, Ktu và làng Thương. Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng khẳng định: “Tính cộng đồng của người dân trong việc bảo vệ rừng rất cao. Mỗi khi rừng bị xâm hại, họ sẽ nhanh chóng báo cáo với chính quyền địa phương. Việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp kết hợp sản xuất nông-lâm nghiệp dưới tán rừng không những thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân”.

 Để diện tích rừng do xã quản lý, bảo vệ không bị xâm, chính quyền xã Ia Mơr thuê người dân lập các chốt bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Để diện tích rừng do xã quản lý, bảo vệ không bị xâm, chính quyền xã Ia Mơr thuê người dân lập các chốt bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Tại buổi làm việc mới đây với đoàn giám sát của HĐND tỉnh về công tác trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng giai đoạn 2017-2021, UBND tỉnh đã đề xuất nâng kinh phí hỗ trợ cho ngân sách xã từ 100 ngàn đồng/ha/năm (theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) lên 500 ngàn đồng/ha/năm để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên do cấp xã trực tiếp quản lý.

Tương tự, Chủ tịch UBND xã Hà Ra cũng cho rằng, về giải pháp lâu dài, diện tích rừng của xã cần giao cho cộng đồng dân cư quản lý để hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nếu không thực hiện bước này thì giao cho ban quản lý rừng hay công ty lâm nghiệp để có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tốt hơn. “Chúng tôi đã trình phương án chuyển khu vực rừng mà xã đang quản lý giao cho cộng đồng làng Đê Kôn quản lý, bảo vệ. Hiện chúng tôi đang chờ ý kiến thống nhất để triển khai thực hiện”-Chủ tịch UBND xã Hà Ra cho biết.

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr thì đề xuất: “Chúng tôi mong các cấp, các ngành liên quan khẩn trương xem xét, đánh giá lại thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay của địa phương; đồng thời, sớm có phương án giao diện tích rừng mà xã đang quản lý cho đơn vị chuyên trách để quản lý, bảo vệ tốt hơn. Chúng tôi chỉ quyết tâm hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, còn triệt để thì không thể”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trên địa bàn tỉnh vẫn còn diện tích khá lớn chưa được giao cho các chủ rừng thực thụ quản lý. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tất cả diện tích này phải được giao cho chủ rừng quản lý. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, để hiện thực hóa nhiệm vụ này, các huyện phải có phương án giao rừng gắn với giao đất đối với phần diện tích do xã quản lý cho các chủ rừng là cộng đồng dân cư nhằm cải thiện sinh kế cho người dân.

 

 MINH NGUYỄN
 

 

Có thể bạn quan tâm