Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Nhiều sai phạm trong kinh doanh phân bón

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai phối hợp với ngành chức năng các địa phương tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón và phát hiện, xử lý nhiều sai phạm.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 46 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phát hiện, xử lý 16 vụ vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu là để lẫn phân bón với hàng hóa khác, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, vi phạm về niêm yết giá, buôn bán phân hết hạn sử dụng.
Cục QLTT đã xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 75 triệu đồng; đồng thời đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón thời hạn 3 tháng đối với 3 cơ sở; đình chỉ 6 tháng đối với 2 cơ sở. Bên cạnh đó, buộc thu hồi trả lại nhà sản xuất 120 bao phân bón hết hạn sử dụng.
Chiều 28-4, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở kinh doanh phân bón Diệu Hường (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku) bày bán 2 lô phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc có ghi nhãn không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, có 78 bao phân bón hỗn hợp NPK 20-20-15 (loại 25 kg/bao) và 310 bao phân bón hỗn hợp NPK Macrofarm 30-10-10 (loại 25 kg/bao), trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết tại cửa hàng là 156,8 triệu đồng.
Trước đó, lực lượng QLTT cũng đã phát hiện 2 cơ sở kinh doanh phân bón tại thị xã An Khê và huyện Đak Đoa đang bày bán hơn 4,6 tấn phân bón hết hạn sử dụng.
Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm tại cơ sở kinh doanh phân Diệu Hường
Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm tại cơ sở kinh doanh phân Diệu Hường (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Vũ Thảo
Theo ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, lô hàng gần 10 tấn phân nói trên đã vi phạm về nhãn hàng hóa khi có xuất xứ Trung Quốc mà không ghi rõ ràng, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Bên cạnh xác định vi phạm về nhãn thì QLTT cũng đã lấy mẫu kiểm định chất lượng đối với lô phân bón này.
“Trong trường hợp chất chính đạt trên 70% so với chỉ tiêu đăng ký áp dụng thì phân bón không đạt chất lượng, còn dưới 70% mới xác định đó là giả. Trong khoảng 2 năm gần đây, chúng tôi chưa phát hiện trên thị trường có bán phân bón giả”-ông Hà thông tin.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng mặt hàng phân bón, các đội QLTT thường xuyên phối hợp với phòng chức năng các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phân bón.
Lực lượng QLTT tiến hành lấy mẫu phân bón để kiểm định chất lượng. Ảnh: Vũ Thảo
Lực lượng QLTT tiến hành lấy mẫu phân bón để kiểm định chất lượng. Ảnh: Vũ Thảo
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Qua kiểm tra cho thấy, bên cạnh những cơ sở chấp hành tốt các quy định về kinh doanh phân bón thì cũng còn một số cơ sở vi phạm như: buôn bán phân bón hết hạn sử dụng, vi phạm về giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT cũng có kế hoạch phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp tại các cơ sở kinh doanh trong thời gian tới; qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. Đồng thời, việc thanh-kiểm tra cũng lồng ghép công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm