Gia Lai có tiềm năng lớn để xuất khẩu gỗ ra thị trường thế giới. Ảnh Thanh Tuấn |
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai đã định hướng phát triển một khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao (1 trong 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước) sẽ thu hút và tập trung được nhiều nguồn lực lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về gỗ xây dựng, gia dụng, gỗ tinh chế.
Gia Lai có diện tích tự nhiên hơn 1,5 triệu ha, diện tích đất có rừng gần 647.000ha được phân bố trên 17 huyện, thị xã, thành phố. Hơn 85.000ha caosu của tỉnh cũng là nguồn nguyên liệu đáng kể để phục vụ công nghệ chế biến gỗ.
Gia Lai hiện có 288 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, gia công mộc dân dụng, băm dăm, viên nén... Hoạt động sản xuất chủ yếu là cưa xẻ gỗ nguyên liệu, băm dăm.
Doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trong Cụm công nghiệp tại Gia Lai. Ảnh Thanh Tuấn |
Những năm trước, tình hình xuất khẩu gỗ tương đối thuận lợi nên mỗi năm giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,2-1,5 triệu USD. Tỉnh có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo định hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngành lâm nghiệp sẽ xây dựng vùng cung cấp gỗ rừng trồng nguyên liệu tập trung các huyện phía Đông và Đông Nam, tăng cường trồng rừng các loài cây giá trị kinh tế cao, cây gỗ lớn, hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng cho một số Công ty Lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ.
Phấn đấu đến năm 2025, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 30.000ha, đến năm 2030 đạt 80.000ha. Bố trí hợp lý các nhà máy chế biến gỗ đến năm 2025 công suất chế biến đạt 450.000m3/năm. Năm 2030 công suất chế biến đạt 750.000m3/năm.
Từng bước xây dựng, hình thành mô hình “Chợ Lâm sản Quốc tế” thí điểm tại Gia Lai, có thể kết nối trực tuyến và trực tiếp với thị trường toàn cầu, được đấu nối tại Khu Lâm nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Gia Lai.
Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai cho biết: “Vừa thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp gỗ, Gia Lai sẽ nghiên cứu định hướng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng ở những quốc gia phát triển có nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ cao”.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ tinh chế chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, nếu năm 2016 đạt 6,3 triệu USD thì đến năm 2020 đạt 7,5 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,15%/năm. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ tinh chế đạt 3,5 triệu USD.