Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân tỉnh vừa có Quyết định số 633/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Mục tiêu của Kế hoạch là cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực tế.
Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Quyết định số 327/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, phù hợp với Đề án phát triển Lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030.
Chế biến gỗ tại huyện Kbang. Ảnh: Lê Nam
Chế biến gỗ tại huyện Kbang. Ảnh: Lê Nam
Trong đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; nâng cao năng lực sản xuất theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng cao, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ tham gia phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu ổn định, bền vững. Trực tiếp tham gia trồng rừng gỗ lớn, chủ động về nguồn cung gỗ nguyên liệu, hình thành liên kết và mạng lưới chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp, các cơ sở chế biến và các hộ trồng rừng, đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ được sản xuất, chế biến, xuất khẩu có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng hợp pháp, chứng chỉ bền vững (FSC), chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (CoC), chứng nhận quản lý rừng bền vững, dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng (FM), chứng nhận gỗ có kiểm soát, dành cho các đơn vị quản lý rừng hay sản xuất, chế biến, mua bán các nguồn gỗ theo tiêu chuẩn (CW).
Mục tiêu cụ thể là bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện có; nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt 47,75%, đến năm 2030 đạt 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích). Triển khai có hiệu quả kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh theo Đề án “trồng 1 tỷ cây xanh” đã phê duyệt; đảm bảo diện tích trồng rừng trung bình mỗi năm đạt 8 ngàn ha, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho ngành sản xuất và chế biến.
Đối với giai đoạn 2021-2025, trồng rừng 40 ngàn ha (phòng hộ 1.033 ha, sản xuất 38.967 ha) trong đó ít nhất 10 ngàn ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 15 ngàn ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 1 triệu m3, bình quân 150 ngàn m3-300 ngàn m3/năm. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 30 ngàn ha.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet
Công suất chế biến đạt 450 ngàn m3/năm, trong đó: Sản xuất ván nhân tạo 200 ngàn m3/năm; sản xuất đồ gỗ nội địa đạt 150 ngàn m3 sản phẩm; đồ gỗ xuất khẩu đạt 100 ngàn m3 sản phẩm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 10,91%.
Bên cạnh đó, thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm hạt nhân để phát triển sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh và khu vực. Phấn đấu giao đất, giao rừng, cho thuê đất thuê rừng đạt ít nhất 60% diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã hiện đang quản lý. Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đến năm 2025, giá trị thu nhập của người dân làm nghề rừng tăng 2 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với năm 2020.
Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục trồng rừng mới và trồng rừng luân canh 40 ngàn ha trong đó ít nhất 15 ngàn ha rừng gỗ lớn, tiếp tục chuyển hóa 15 ngàn ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Sản lượng khai thác gỗ đạt trên 1,8 triệu m3, bình quân 250 ngàn m3-400 ngàn m3/năm. Cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thêm 50 ngàn ha. Công suất chế biến đạt 750 ngàn m3/năm, trong đó: Sản xuất ván nhân tạo đạt 350 ngàn m3/năm; sản xuất đồ gỗ nội địa đạt 250 ngàn m3 sản phẩm; đồ gỗ xuất khẩu đạt 150 ngàn m3 sản phẩm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030 đạt 12%.
Giao đất, giao rừng, cho thuê đất thuê rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt 100% diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã hiện đang quản lý. Tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, đến năm 2030, thu nhập của người dân làm nghề rừng tăng 2-3 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với năm 2020.
Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là, phát triển cơ sở hạ tầng và mở rộng sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển thị trường chế biến thương mại gỗ và lâm sản; phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch của tỉnh; nghiên cứu vận dụng cơ chế, chính sách về đầu tư, thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ; tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn hỗ trợ, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng trong trồng rừng gỗ lớn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, hướng dẫn các chủ rừng, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ, hệ thống trách nhiệm giải trình về gỗ hợp pháp của các nước nhập khẩu, đảm bảo việc triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, đánh giá, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm và 5 năm, tổng hợp, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền; bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.
LỆ HẰNG
 

Có thể bạn quan tâm