Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai nỗ lực khống chế dịch tả heo châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 3 tháng qua, dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại ở một số địa phương trong tỉnh. Nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, ngành chức năng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tìm mọi biện pháp ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng.

Bùng phát dịch

Ngày 30-7-2021, ổ dịch cũ tại huyện Ia Pa bùng phát trở lại. 700 con heo của 97 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở 23 thôn thuộc 6 xã trên địa bàn huyện bị mắc bệnh. Đến ngày 3-10, trên địa bàn phường Sông Bờ và Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) phát hiện có 41 con heo của 8 hộ chăn nuôi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Cũng trong ngày 3-10, tại huyện Đức Cơ, ngành chức năng đã phát hiện 51 con heo của 3 hộ dân ở xã Ia Pnôn mắc bệnh. Ngoài ra, tại huyện Kbang có 64 con của 4 hộ chăn nuôi và huyện Phú Thiện có 10 con của 2 hộ bị mắc bệnh.

Tất cả số heo bị mắc bệnh dịch tả châu Phi ở các địa phương đã được tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định, công tác tiêu độc khử trùng cũng đã được ngành chức năng triển khai kịp thời; các địa phương đủ điều kiện công bố dịch cũng đã được công bố.

 

 Lực lượng chức năng xã Chư Răng (huyện Ia Pa) đưa heo bị bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: Vũ Chi
Lực lượng chức năng xã Chư Răng (huyện Ia Pa) đưa heo bị bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: Vũ Chi


Nói về nguyên nhân bùng phát trở lại bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Do thời gian trước, giá heo hơi tăng lên 80-100 ngàn đồng/kg nên người dân ồ ạt đầu tư mở rộng chuồng trại nhưng không thực hiện đúng các quy trình về an toàn sinh học như: chuồng trại phải cách biệt khu dân cư, đảm bảo không có côn trùng ra vào mang theo mầm bệnh, thức ăn đảm bảo vệ sinh và dưỡng chất, hạn chế người lạ ra vào khu chăn nuôi, chuồng trại phải thường xuyên được tiêu độc khử trùng…

“Nếu thực hiện tốt việc tổ chức chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học thì dịch bệnh sẽ khó có cơ hội bùng phát và lây lan. Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện có hạn thì việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi là không dễ. Vì vậy mà dịch bệnh bùng phát trở lại, chủ yếu từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này”-ông Thanh nói.

Nỗ lực khống chế

 

Ông Dương Ngọc Thanh: Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, với những trường hợp đàn heo mắc dịch bệnh truyền nhiễm buộc phải tiêu hủy, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg. Lợi dụng nghị định này, một số hộ chăn nuôi khi phát hiện có heo bị dịch thì không báo cáo kịp thời, để dịch bệnh lây lan ra cả đàn nhằm được hưởng chế độ ưu đãi. Đây cũng là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.

Theo ông Thanh, nếu trong thời gian tới, giá heo hơi không tăng lên trên giá thành thì tình hình dịch tả heo châu Phi sẽ diễn biến phức tạp, do người chăn nuôi không đầu tư theo đúng quy trình đã khuyến cáo. “Do vậy, phải theo dõi chặt chẽ, phát hiện kịp thời và tổ chức khống chế tốt dịch bệnh mới mong không để lây lan ra diện rộng”-ông Thanh cho hay.

Cũng theo ông Thanh thì hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi. Do vậy, ngành chức năng phải áp dụng những biện pháp khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của loại dịch này. Theo đó, ngay từ khi phát hiện dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại, Chi cục đã phối hợp triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải tổ chức chăn nuôi khi đảm bảo các yêu cầu theo đúng quy trình sinh học. Đối với người chăn nuôi, khi phát hiện dịch phải báo ngay cho chính quyền và ngành chức năng; chính quyền địa phương phải kịp thời công bố dịch nếu đủ điều kiện công bố. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm và kịp thời tiêu hủy, tổ chức tiêu độc khử trùng.

Gia Lai hiện có tổng đàn heo khoảng 440.000 con. Nếu để dịch bệnh lây lan ra diện rộng thì người chăn nuôi sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh giá thịt heo đang ở mức thấp.

 

 TRẦN BÌNH ĐỊNH

Có thể bạn quan tâm