Điểm đến Gia Lai

Gia Lai: Núi lửa Chư Đăng Ya - tắc kè hoa đổi màu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vào thời điểm này, khách du lịch tìm đến núi lửa Chư Đăng Ya ở xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai để trải nghiệm. Du khách không khỏi ngỡ ngàng trước bức tranh sơn cước hữu tình cũng như vẻ đẹp đời sống của người dân địa phương nơi đây.

 
Hoa dã quỳ khoe sắc dưới chân núi Chư Đăng Ya. Ảnh TA
Hoa dã quỳ khoe sắc dưới chân núi Chư Đăng Ya. Ảnh TA



Chư Đăng Ya là một địa danh nghe vừa xa ngái vừa lạ lẫm. Đó là một ngọn núi lửa được hình thành và tồn tại qua hàng triệu năm. Sau khi phun trào hết dòng hóa thạch lửa cháy, núi lửa Chư Đăng Ya đã đóng cửa vĩnh viễn và để lại một giá trị tài sản to lớn cho người dân địa phương.

Đó là thứ hóa thạch đã chan hòa vào nguồn đất mẹ, đã tạo ra một thứ đất tốt tươi để ươm mầm cho những loại hoa và cây xanh tươi bốn mùa quanh năm.


 

Mùa nắng hoa dã quỳ vàng thắm ngọn núi. Ảnh TA
Mùa nắng hoa dã quỳ vàng thắm ngọn núi. Ảnh TA


Gọi Chư Đăng Ya là tắc kè hoa đổi màu là cách gọi ví von, đầy hình ảnh của người dân bản địa. Bởi mùa hè, cả ngọn núi và thung lũng dưới chân núi hiện lên màu vàng rực rõ của loài hoa dã quỳ. Hoa vàng trải dài trên thảm cỏ xanh mướt dọc đường mòn men lên đỉnh núi.

Còn về mùa mưa, sắc đỏ hoa Dong Riềng trải dài mênh mông đến ngút tầm mắt, mang lại trải nghiệm thú vị. Chị Trần Thị Thắm (26 tuổi), khách du lịch ở TP Nha Trang, Khánh Hòa - chia sẻ: “Chán với cảnh phố thị đông người, ô nhiễm, kẹt xe, mình gói gém ba lô lên đường du lịch để cân bằng lại cuộc sống.

Trong hành trình khám phá Tây Nguyên, các bạn trẻ và du khách đặc biệt không thể quên thăm thú núi lửa Chư Đăng Ya. Đặt chân đến đây, mình cảm giác được trở về với thiên nhiên bình dị, để hiểu bản thân mình cần điều gì hơn”.

 

 Những đứa trẻ ngây thơ nô đùa dưới chân núi. Ảnh TA
Những đứa trẻ ngây thơ nô đùa dưới chân núi. Ảnh TA



Dọc ngọn núi lửa còn sót lại nhiều cây cổ thụ cao vững chải trước gió bão, nằm trước cánh đồng lúa của người đồng bào. Đây là điểm thú vị để các bạn trẻ chụp hình sống ảo. 

Sau khi dạo chơi khắp núi rừng, khách du lịch có thể ghé thăm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, họ là những người nông dân cần cù, siêng năng, sáng ngày làm việc trên nương rẫy, trên cánh đồng lúa.

Còn những em nhỏ vùng cao với mái tóc vàng hoe, làn da đen sạm cũng ra đồng phụ bố mẹ, chăn đàn trâu, bò, một khung cảnh rất yên bình trên đất cao nguyên.

Lúc đứng trên miệng núi lửa Chư Đăng Ya, phóng tầm mắt ra xa sẽ nhìn thấy cánh đồng lúa bát ngát và TP Pleiku nhỏ bé trong tầm tay.

Hiện nay, con đường dẫn lên núi lửa Chư Đăng Ya đi lại thuận lợi, đã được chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng và rải thảm đường bằng bê tông. Trong khi điểm du lịch này cách TP Pleiku chừng 15 cây số. Du khách ghé thăm quan Biển Hồ, đôi mắt của Pleiku thì sẽ thuận đường để di chuyển theo tuyến tỉnh lộ lên đến Chư Đăng Ya.

https://dulich.laodong.vn/san-pham/gia-lai-nui-lua-chu-dang-ya-tac-ke-hoa-doi-mau-828447.html
 

Theo THANH TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm