Sức khỏe

Gia Lai phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần được tiếp cận dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê, Gia Lai hiện có 1.181 trẻ em khuyết tật về thần kinh, tâm thần, trí tuệ và tự kỷ, chiếm tỷ lệ 0,25% tổng số trẻ em. Có 4.778 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, 495 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 391 trẻ em được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 67 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ; 123 trẻ em bị bỏ rơi; 41 trẻ em không nơi nương tựa; 56 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ; 104 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần,…chưa được phát hiện sớm, tư vấn, hỗ trợ và điều trị kịp thời ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Chăm sóc trẻ mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ tổng hợp tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Chăm sóc trẻ mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ tổng hợp tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng song song với đó là thiếu nguồn lực nhân viên tư vấn tâm thần, các chương trình về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Việc tiếp cận thông tin về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và dịch vụ hỗ trợ của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế còn hạn chế.

Nhằm thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi; UBND tỉnh Gia Lai vừa có Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2024-2030. Theo đó, từ nay đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu có 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng. 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.

Có thể bạn quan tâm