Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 1 xã nông thôn mới thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-­2025; trong đó, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 1 xã NTM thông minh.

Theo đó, chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, về lĩnh vực phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Ảnh: Đức Thụy
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Ảnh: Đức Thụy

Phấn đấu có ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về “Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành” thuộc Tiêu chí số 8 theo Bộ tiêu chí về xã NTM áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; ít nhất 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế-xã hội và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM” thuộc Tiêu chí số 8; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 về “Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên” thuộc Tiêu chí số 15 theo Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 về “Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên” thuộc Tiêu chí số 9 theo Bộ tiêu chí về huyện NTM áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Lĩnh vực phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Lĩnh vực xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Cùng với đó, Gia Lai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là 1 trong 9 tỉnh sẽ triển khai mô hình thí điểm xã NTM thông minh thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, xây dựng ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hoá, an ninh trật tự, du lịch nông thôn, thương mại điện tử...).

Người dân thôn 2 (xã An Phú, TP. Pleiku) thu hoạch rau xà lách. Ảnh: Phạm Ngọc
Người dân thôn 2 (xã An Phú, TP. Pleiku) thu hoạch rau xà lách. Ảnh: Phạm Ngọc

Chương trình triển khai thực hiện ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; huyện Kông Chro). Thời gian thực hiện đến hết năm 2025.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện như: tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tạo tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số.

Kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn ngân sách nhà nước (Trung ương, địa phương) bố trí hàng năm để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và từ các nguồn kinh phí khác: vốn xã hội hóa (các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác, cộng đồng dân cư...); nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện triển khai Chương trình; chỉ đạo và hướng dẫn các huyện, xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng mô hình thí điểm xã/thôn nông thôn mới thông minh trên địa bàn đảm bảo phù hợp; ưu tiên thực hiện các mô hình về kinh tế số, xã hội số dựa trên các điều kiện thực tế và nhu cầu áp dụng chuyển đổi số của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm