Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai phấn đấu đến năm 2030, cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt đạt trên 70%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030.

Tại kế hoạch UBND tỉnh đặt mục tiêu cơ giới hóa cho từng lĩnh vực sản xuất cụ thể. Theo đó, lĩnh vực trồng trọt, sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030. Lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030. Về thủy sản, cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030. Trong lâm nghiệp, các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng-chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030.

Nông dân xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) sử dụng máy móc hiện đại để thu hoạch lúa. Ảnh: Trần Đức

Nông dân xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) sử dụng máy móc hiện đại để thu hoạch lúa. Ảnh: Trần Đức

Về phát triển chế biến, bảo quản nông sản, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 11,6%/năm vào năm 2025 và đạt từ 11,0-13,0%/năm vào năm 2030. Trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên.

Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến. Hình thành một số doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm với các khu vực; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong cơ giới hóa nông nghiệp các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và phát triển chế biến, bảo quản nông sản; hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản; về đào tạo, tập huấn cho nông dân…

Kinh phí thực hiện kế hoạch lồng ghép, đa dạng hoá các nguồn vốn gồm: vốn ngân sách nhà nước (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kiên cố hoá kênh mương, kinh phí xây dựng cơ bản, khoa học công nghệ, khuyến nông,...); vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân (vốn tự có của các tổ chức, cá nhân; vốn vay từ các tổ chức tín dụng) và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Đồng thời, đề ra các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch như: Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hợp tác và hội nhập kinh tế trong và ngoài nước; huy động nguồn lực.

Máy thu hoạch mía hiện đại được áp dụng trên vùng nguyên liệu mía khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Đức

Máy thu hoạch mía hiện đại được áp dụng trên vùng nguyên liệu mía khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Đức

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch; chỉ đạo triển khai chương trình, đề án, dự án để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch theo chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền được giao.

Đồng thời, Sở phối hợp các đơn vị, địa phương hướng dẫn người dân về phát triển sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn để tạo điều kiện đẩy mạnh áp dụng cơ giới vào sản xuất; tham mưu, đề xuất xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản phẩm chủ lực, các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản gắn với cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất tập trung tại địa phương; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện, tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ và nội dung được phân công tại Kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả theo yêu cầu đề ra.

Có thể bạn quan tâm