(GLO)- Nhằm tăng cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt (gọi chung là phòng-chống mù lòa), từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh Gia Lai đã tăng cường triển khai khám sàng lọc, thực hiện mổ đục thủy tinh thể giúp nhiều người tìm lại ánh sáng.
“Giải phóng mù lòa”
Bị mờ cả 2 mắt do đục thủy tinh thể, mấy năm gần đây, ông Ksor Guai (80 tuổi, làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) sinh hoạt vô cùng khó khăn. Một năm trở lại đây, mắt ông đã không còn nhìn thấy. “Con cái cũng chở đi khám nhưng bác sĩ bảo phải mổ. Nhà nghèo nên mình cứ đắn đo mãi. Được giới thiệu, con mình chở tới Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh và được khám, mổ mắt miễn phí. Mình mừng lắm. Nhờ có các bác sĩ giúp đỡ mà từ đây mình có thể nhìn lại được”-ông Guai phấn khởi cho biết.
Chung niềm vui với ông Guai còn có bà Siu Il (64 tuổi, làng Grang, xã Ia O, huyện Chư Prông, Gia Lai). Phát hiện mắt bị mờ từ năm 2017, bà Siu Il đã đi khám và điều trị nhưng thuốc thang mãi vẫn không nhìn rõ. Được mọi người hướng dẫn, bà Il đến Trung tâm khám mới biết bị đục thủy tinh thể, để lâu có thể bị mù. “Mình được mổ miễn phí, lại được các bác sĩ Trung tâm chăm sóc rất chu đáo. Ở làng, ai bị bệnh tương tự, mình đều bảo lên trên Trung tâm để khám-chữa bệnh”-bà Il chia sẻ.
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ thay thủy tinh thể tại Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh. Ảnh: Như Nguyện |
Trường hợp của bà Trần Thị Pháp (73 tuổi, trú tại thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) thì một bên mắt bị mù, bên còn lại nhìn mờ, không rõ; tình trạng này kéo dài đã hơn một năm nay. Nhiều lần bà Pháp đi khám, bác sĩ cho thuốc về nhỏ mắt nhưng không cải thiện mấy. Vừa rồi có người thân điều trị thành công tại Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh hướng dẫn, bà Pháp liền nhờ con cháu chở lên khám. Bà Pháp cho biết: “Mới đầu mình cũng phân vân lắm, nhưng khi thấy người thân được mổ mắt miễn phí và mắt sáng trở lại, mình mừng lắm. Kinh tế gia đình khó khăn, nay được mổ miễn phí, mình cám ơn các bác sĩ nhiều lắm”.
Thực hiện chương trình “Giải phóng mù lòa” do Sở Y tế phát động, trung bình hàng năm, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh thực hiện mổ 200 ca đục thủy tỉnh thể miễn phí, 100 ca mộng, quặm... Thạc sĩ Phạm Thanh Dũng-Trưởng khoa Mắt (Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh)-cho biết: Đục thủy tinh thể chưa được phẫu thuật là nguyên nhân chính gây mù lòa, trong khi có thể phòng tránh được. Qua số liệu điều tra đánh giá nhanh các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được, ước số người mù ở các độ tuổi khác nhau tại Gia Lai là 3.676 người; trong đó, tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên là 12 người/1.000 dân. Nguyên nhân chủ yếu gây mù ở người từ 50 tuổi ở Gia Lai là đục thủy tinh thể (chiếm trên 50%). Các nguyên nhân tiếp theo là glocom, sẹo giác mạc, bệnh bán phần sau nhãn cầu...
Duy trì, tăng tỷ lệ mổ đục thủy tinh thể
Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Dũng, những năm gần đầy, sự phát triển của dịch vụ chăm sóc mắt tại tỉnh, các tuyến tỉnh lân cận và trung ương đã giúp bệnh nhân được chăm sóc mắt tốt hơn. Bên cạnh đó, nhờ sự tuyên truyền, tư vấn của y tế cơ sở và chính sách bảo hiểm y tế, người dân được hưởng đầy đủ dịch vụ chăm sóc, trong đó mổ đục thủy tinh thể là chủ yếu. Nếu năm 2013 tỉnh Gia Lai mổ 1.000 ca thì năm 2017 là 1.567 ca (cá biệt, năm 2016 mổ đến 2.704 ca).
Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người/1.000 dân và đến năm 2030 giảm xuống dưới 4 người/1.000 dân. Đến năm 2020 tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,5 người/1.000 dân; trong đó, tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 80%. Đến năm 2030, tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người/1.000 dân; trong đó, tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 95%.
Đến nay, tỉnh ta cơ bản hoàn thành giảm tỷ lệ mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác mổ đục thủy tinh thể. Về phía người bệnh, nhiều bệnh nhân không có điều kiện nên không tiếp cận được, sợ không dám phẫu thuật... Bên cạnh đó, đội ngũ phẫu thuật viên, số cơ sở mổ đục thủy tinh thể ít, trang-thiết bị còn thiếu... đã ít nhiều ảnh hưởng tới mục tiêu đặt ra.
Thạc sĩ Phạm Thanh Dũng cho biết: Để tiếp tục duy trì và thực hiện tốt chiến lược quốc gia phòng-chống mù lòa thì cả tuyến tỉnh và tuyến cơ sở phải tiếp tục duy trì và tăng tỷ lệ mổ đục thủy tinh thể; phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bệnh gây mù còn tiềm ẩn lớn bên cạnh bệnh đục thủy tinh thể như glocom, sẹo giác mạc, bệnh bán phần sau nhãn cầu... Bên cạnh đó là tăng cường truyền thông giáo dục phòng-chống mù lòa; tập huấn, tập huấn lại y tế cơ sở, đào tạo bác sĩ chuyên khoa mắt tại Trung tâm Y tế tuyến huyện, cung cấp trang-thiết bị, hỗ trợ kinh phí, chính sách để phát hiện, tư vấn và vận động bệnh nhân đi phẫu thuật...
Như Nguyện