Sức khỏe

Gia Lai phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 25-3, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 568/KH-UBND về phòng-chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.

Mục tiêu chung của Kế hoạch là nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng-chống bệnh dại, kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại, tiến tới loại trừ bệnh dại trên động vật và người vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

 

Khi bị chó, mèo cào, cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại. Ảnh: N.N
Khi bị chó, mèo cào, cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại. Ảnh: Như Nguyện

Mục tiêu cụ thể, đối với phòng-chống bệnh dại ở động vật: Duy trì 100% số sổ quản lý chó, mèo nuôi cấp xã, cấp thôn đã được lập trong giai đoạn 2017-2021; quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025; trên 90% trong giai đoạn 2026-2030. Tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030. Cơ bản giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022-2030. Xây dựng ít nhất 3 cơ sở an toàn bệnh dại cấp phường (dự kiến các phường Ia Kring, Tây Sơn, Hội Phú của TP. Pleiku); tuyên truyền, hướng dẫn, vận động xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Đối với phòng-chống bệnh dại ở người: mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 điểm tiêm vắc xin phòng dại, truyền thông nguy cơ về bệnh dại ở cộng đồng và trường học. Đối tượng phơi nhiễm vi rút dại được tiêm vắc xin theo quy định, được theo dõi và tư vấn về phòng-chống bệnh dại. Ổ dịch dại từ động vật lây sang người được phát hiện sớm, điều tra và xử lý đúng quy định. Phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đặt ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện. Trong đó, chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định; từng bước áp dụng việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin dại.

UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức quản lý, chỉ đạo UBND cấp xã lập sổ quản lý chó, mèo; cập nhật số liệu nuôi tại địa phương trên Hệ thống báo cáo trực tuyến quản lý chó, mèo. Toàn bộ đàn chó, mèo nuôi trong địa bàn cấp xã; chó, mèo đã tiêm vắc xin dại nên được đánh dấu để nhận diện (vòng đeo cổ). Tổ chức tiêm vắc xin dại cho trên 70% đàn chó, mèo đã hết thời gian miễn dịch, mới nuôi, bảo đảm tối thiểu 1 lần/năm trong giai đoạn 2022-2025; tiêm vắc xin dại cho trên 80% đàn chó, mèo thuộc diện tiêm trong giai đoạn 2026-2030. Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, phơi nhiễm, có nguy cơ nhiễm bệnh dại nhưng chưa được tiêm vắc xin dại phải được điều trị dự phòng. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng-chống bệnh dại; tích cực điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch dại; giám sát bệnh dại trên động vật, trên người; kiểm soát vận chuyển chó, mèo…

KIỀU PHAN
 

Có thể bạn quan tâm