Bạn đọc

Gia Lai: Phấn đấu không để án quá hạn luật định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) trong tỉnh Gia Lai đã thụ lý 3.944 vụ án các loại, tăng 95 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, TAND tỉnh thụ lý 306 vụ và TAND cấp huyện thụ lý 3.638 vụ. Đến nay, TAND các cấp trong tỉnh mới chỉ giải quyết xong 2.354 vụ (đạt gần 60% so với tổng số vụ án đã thụ lý, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước).

Cụ thể: TAND tỉnh đã giải quyết xong 148 vụ (giảm 64 vụ so với cùng kỳ năm 2017, đạt 48,3% so với số án đã thụ lý), TAND cấp huyện giải quyết xong 2.206 vụ (giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2017, đạt 60,6% số án đã thụ lý).

 

Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức tập huấn các bộ luật. Ảnh: H.C
Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức tập huấn các bộ luật. Ảnh: H.C

Cùng với công tác xét xử, TAND 2 cấp đã hòa giải thành công được 1.157 vụ, đạt gần 60% tổng số án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy vậy, tỷ lệ giải quyết các loại án và hòa giải thành công còn khá thấp, rất nhiều bản án đã bị cấp có thẩm quyền quyết định tuyên hủy và cải sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, đặc biệt có đến 15 vụ án để quá hạn luật định.

Nguyên nhân để án quá hạn luật định là do 19 thẩm phán đã hết nhiệm kỳ nhưng chưa được bổ nhiệm lại. Bên cạnh đó, các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính phức tạp liên quan đến nhiều đương sự ở các địa phương khác nhau, thậm chí đương sự ở nước ngoài phải chờ kết quả ủy thác tư pháp từ nước ngoài. Một nguyên nhân nữa là sự phối hợp cung cấp chứng cứ có liên quan đến vụ án từ các cơ quan hữu quan còn nhiều bất cập; sự hợp tác cung cấp thông tin để giải quyết các loại án của các đương sự còn hạn chế, nhất là án dân sự, án hôn nhân gia đình, án kinh doanh thương mại và án hành chính...

Để các loại án không quá hạn luật định, không vi phạm tố tụng, không bị tuyên hủy bản án nhiều lần trong cùng một vụ án, TAND tỉnh đã điều động thẩm phán ở những địa phương có ít án đến tăng cường cho những địa phương có nhiều án. Đồng thời, tích cực hòa giải tại cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, đảm bảo không có bản án xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, không có bản án tuyên mà không thi hành được.

Được biết, mục tiêu mà hệ thống TAND tỉnh đặt ra đến cuối năm 2018 là đạt tỷ lệ án giải quyết xong so với số lượng án thụ lý: 95% đối với hình sự, 85% đối với dân sự, hơn 80% đối với hành chính (không tính án tạm đình chỉ); giảm tỷ lệ bản án bị cải sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán xuống dưới mức 0,5% so với tổng số án giải quyết, bản án bị tuyên hủy xuống dưới 0,6% tổng số các vụ án giải quyết... Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Hảo-Phó Chánh án phụ trách TAND tỉnh-cho biết: “Để đạt được các tỷ lệ này, cả hệ thống TAND tỉnh phải thật sự đoàn kết, quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, tập trung phấn đấu thi đua đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra”.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm