Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 6-7%/năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 638/KKH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 gồm: Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 6,25-6,5%/năm trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động nông-lâm nghiệp và thủy sản đạt 6-7%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông-lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 45%; hình thành và công nhận 30 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh.

Thành lập 5-10 khu nông nghiệp và 1 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt 11-13%/năm; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt trên 5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng 6-7%/năm.

Bên cạnh đó, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn dưới 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; trên 85% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng cao hơn 1,8-2,5 lần so với năm 2020.

Với mục đích trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông-lâm sản của khu vực Tây Nguyên và khu vực 13 tỉnh trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, tỉnh tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường ở nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, đến năm 2030, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ và cây trồng đa mục đích). Tiếp tục trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác đạt bình quân 8.000 ha/năm. Phát triển dược liệu dưới tán rừng đạt tối thiểu 11.300 ha. Diện tích rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 80.000 ha.

Cũng theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2%/năm; giai đoạn 2026-2030 giảm bình quân 1-1,5%/năm. Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 98%. Về xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có trên 120 xã đạt chuẩn (chiếm trên 65%), trong đó có 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trên 18%), 5 xã NTM kiểu mẫu (trên 4%); có 10 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM (trên 58%).

Đến năm 2030, có từ 150 xã trở lên đạt chuẩn NTM (trên 82%), trong đó có từ 30 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao (trên 20%), từ 8 xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu (trên 5%); có 12 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM (trên 70%).

Có thể bạn quan tâm