Bạn đọc

Gia Lai: Phát triển thị trường vệ sinh thông qua cửa hàng tiện ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm nâng cao tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh  Gia Lai vừa tiến hành khảo sát, lựa chọn và phát triển thị trường vệ sinh thông qua cửa hàng tiện ích tại 9 xã được triển khai thực hiện năm 2020.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Theo đó, cửa hàng tiện ích do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lựa chọn và hỗ trợ có thể cung cấp các dịch vụ khác nhau cho người dân như: xây dựng, vận chuyển, tư vấn cho hộ về loại nhà tiêu phù hợp, cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu, bảo hành sản phẩm... Qua đó, Trung tâm sẽ giúp bà con lựa chọn mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện từng gia đình. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm đem đến hiệu quả cao trong việc tăng tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa.
Để giúp các xã đạt được mục tiêu này, cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông đến từng thôn, làng, hộ gia đình để người dân thấy được tác hại của việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, chương trình còn đưa ra giải pháp phát triển thị trường vệ sinh bằng ống bi bê tông.
Đến cuối năm 2019, 77,65% số gia đình trong toàn tỉnh có nhà tiêu (55,5% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh); 70,65% gia đình nông thôn có nhà tiêu (50,68% gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh); 88% trạm y tế vùng nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; 78% trường học các xã vùng nông thôn sử dụng nước sạch; 69% trường học các xã vùng nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ trường học thuộc vùng nông thôn của tỉnh chưa có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu nhưng không hợp vệ sinh, nhiều nhà tiêu xuống cấp nghiêm trọng đạt tỷ lệ 31%.
Phát triển thị trường vệ sinh thông qua cửa hàng tiện ích là một trong những hoạt động của chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có 9 xã đạt vệ sinh toàn xã; 70% gia đình có nhà tiêu cải thiện; 80% gia đình có điểm rửa tay, có xà phòng hoặc sản phẩm thay thế; tất cả các trường học, trạm y tế của các xã có công trình cấp nước và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn và có điểm rửa tay hoạt động. 100% hộ dân được tuyên truyền, vận động xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu đúng quy cách; 100% hộ được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng; 100% giáo viên và học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS (không kể các điểm trường phụ) được cung cấp kiến thức về sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách, rửa tay với xà phòng và nước sạch.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm