Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vào dịp cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 4121/UBND-NL yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vào dịp cuối năm.

 Người chăn nuôi gia cầm cần chủ động các biện pháp phòng dịch cúm cuối năm. Ảnh: T.N
Người chăn nuôi gia cầm cần chủ động các biện pháp phòng dịch cúm cuối năm. Ảnh: T.N

Trong đó, những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục triển khai tiêm phòng lở mồm long móng đợt 2-2017 theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin về vi rút lở mồm long móng đang có trên địa bàn và đánh giá nguy cơ lây nhiễm các type vi rút từ địa phương khác vào tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; triển khai tốt việc kiểm soát tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, nghiêm cấm nhập gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm chưa qua kiểm dịch vào tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Căn cứ khuyến cáo của Cục Thú y về sử dụng về sử dụng vắc xin để tham mưu, đề xuất về chủng loại vắc xin tiêm phòng năm 2018 phù hợp, hiệu quả. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên triển khai công tác tiêu độc khử trùng môi trường trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm  và công tác phòng chống dịch về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra việc mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, nhất là những khu vực có ổ dịch cũ và nơi có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Khi có dịch xảy ra, phải thực hiện ngay các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định, không để lây lan diện rộng. Chủ động bố trí kinh phí dự phòng từ ngân sách địa phương sẵn sàng chống dịch khi xảy ra, kịp thời báo cáo tình hình cho Sở Nông nghiệp và PTNT. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng phương án và bố trí kinh phí phòng chống dịch tại địa phương trong năm 2018. Thường xuyên tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nơi có ổ dịch cũ, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Chỉ đạo các cấp các ngành kêu gọi sự chung tay của các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm