Gia Lai: Phòng khám bác sĩ gia đình hướng đến nhiều mục tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện, đề án “Xây dựng và phát triển mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Gia Lai” đang được tích cực triển khai. Theo kế hoạch, sau năm 2020, mô hình này sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh.
Ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế-cho biết: Căn cứ Quyết định số 106/QĐ-UBND ngày 21-2-2017 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án “Xây dựng và phát triển mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Gia Lai”,  Sở đã xây dựng kế hoạch, đồng thời tổ chức hội nghị triển khai cho lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố nhằm phát triển mô hình này từ tuyến huyện đến các xã, phường, thị trấn. Theo kế hoạch, sẽ có 745 cán bộ y tế các tuyến trên địa bàn tỉnh tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ liên quan đến đề án này.
 Mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình được triển khai sẽ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho tuyến y tế cơ sở. Ảnh: N.N
Mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình được triển khai sẽ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho tuyến y tế cơ sở. Ảnh: N.N
Trước đó, Sở Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y Dược Huế tổ chức khóa đào tạo thuộc dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (HPET) cho 80 bác sĩ làm giảng viên nguồn về nguyên lý y học gia đình. Số bác sĩ này sau đó sẽ đào tạo, tập huấn lại cho cán bộ y tế tuyến cơ sở. Đến nay, Sở Y tế đã đào tạo xong 2 lớp quản lý cho lãnh đạo trạm y tế với 68 học viên tham gia; 2 lớp quản lý, cấp phát thuốc với 68 học viên. Sở cũng đang triển khai 3 lớp dành cho y sĩ với 102 học viên, 2 lớp cho điều dưỡng (70 học viên), 2 lớp cho nữ hộ sinh (68 học viên) và 2 lớp cho bác sĩ (68 học viên) về nguyên lý y học gia đình. Sở còn phối hợp với Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) đào tạo ngắn hạn cho 113 bác sĩ về nguyên lý y học gia đình.
Phòng khám bác sĩ gia đình sẽ thực hiện các nhiệm vụ như: tư vấn sức khỏe, sơ cứu, khám-chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật và khám-chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế. Việc triển khai đề án sẽ giúp gia đình và cộng đồng được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.
“Ngoài ra, mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm Y tế xã sẽ thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình; thực hiện chuyển tuyến khám-chữa bệnh theo quy định chuyển tuyến y học gia đình. Tùy theo tình hình bệnh tật, bác sĩ gia đình có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến; tư vấn sức khỏe, sàng lọc, tầm soát phát hiện bệnh sớm; tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời; được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch; tham gia nghiên cứu khoa học...”-ông Mai Xuân Hải thông tin thêm.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2019-2020, tỉnh ta sẽ nhân rộng mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi cấp huyện; sau năm 2020 sẽ nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm