Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Phòng trừ bệnh khảm lá vi rút trên cây mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần đầu tiên bệnh khảm lá vi rút trên cây mì xuất hiện và lan rộng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trước thực tế trên, ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai các giải pháp phòng trừ và khống chế sự lây lan của bệnh này.
Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá vi rút trên cây mì đã xuất hiện ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa với tổng diện tích 90,9 ha. Trong đó, các địa phương có diện tích bị nhiễm nhiều nhất là huyện Phú Thiện (56,7 ha) và Ia Pa (gần 10 ha). Bệnh gây hại tập trung trên giống mì KM419 và HL-S11. Đây là lần đầu tiên bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh và lây lan rất nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn. Để hạn chế thấp nhất sự lây lan nguồn bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, ngày 14-9, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan, các nhà máy chế biến tinh bột mì tập trung triển khai nghiêm túc, kịp thời công tác phòng-chống bệnh.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Chư Pưh phối hợp với nhân dân nhổ bỏ và tiêu hủy mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: L.N
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Chư Pưh phối hợp với nhân dân nhổ bỏ và tiêu hủy mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: L.N
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng trừ, khống chế sự lây lan nguồn bệnh. Tại huyện Ia Pa, ngay sau khi bệnh xuất hiện, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp để triển khai công tác phòng-chống. Tại cuộc họp, ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các xã, cơ quan chuyên môn, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sử dụng giống mì sạch bệnh để trồng trong vụ tới. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11 để trồng (đối với những khu vực có giống mì KM419 bị nhiễm bệnh thì cũng không được sử dụng để trồng cho vụ sau). “Đối với diện tích bị nhiễm bệnh, ngoài việc tuyên truyền, cần vận động hộ dân phối hợp với các lực lượng chức năng nhổ bỏ, tiêu hủy. Nếu hộ nào không chấp hành thì tiến hành lập biên bản xử lý, cưỡng chế theo quy định. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn thống kê ngay danh sách hộ dân có diện tích mì bị thiệt hại 100%, có nhu cầu chuyển đổi cây trồng để đề xuất UBND huyện xem xét hỗ trợ”-ông Hương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hương, UBND huyện đã chỉ đạo, yêu cầu Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam đứng chân trên địa bàn huyện tham gia cùng với địa phương điều tra, xác định diện tích bị bệnh và thực hiện biện pháp tiêu hủy đối với diện tích mì do Công ty cung cấp giống. Đối với diện tích mì bị bệnh nhưng đã đến thời điểm thu hoạch thì phải tiến hành thu mua ngay cho nhân dân (kể cả diện tích Công ty không cung cấp giống) và xem xét có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân. Ủy ban nhân dân huyện cũng yêu cầu từ nay trở đi, trước khi Công ty nhập giống mì về phải có kiểm dịch của các ngành chức năng tỉnh, nếu không thực hiện mà nhập giống về làm lây lan dịch bệnh thì Công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Còn tại huyện Phú Thiện, ông Nguyễn Văn Thành-Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện-cho biết: Hiện tại, qua xác minh của cơ quan chuyên môn, giống mì bị nhiễm bệnh là HL-S11, có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh. Để hạn chế sự lây lan nguồn bệnh, sau khi nhận được thông tin của người dân về tình trạng mì nhiễm bệnh, Trạm đã cử cán bộ trực tiếp xuống ruộng bị nhiễm bệnh lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Sau đó, Trạm đã gửi các cảnh báo và hướng dẫn giải pháp phòng-chống bệnh cho các xã có diện tích bị nhiễm để tuyên truyền cho người dân và tiến hành tiêu hủy số mì nhiễm bệnh. “Tuy nhiên, hiện tại, người dân vẫn chưa tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy những diện tích bị nhiễm bệnh. Trạm đang tiếp tục phối hợp với các xã xuống từng hộ dân có diện tích mì bị nhiễm để tuyên truyền, vận động nhổ bỏ, tiêu hủy, nếu không sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định”-ông Thành cho biết.
Bệnh khảm lá vi rút trên cây mì lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Đặc biệt, hiện tại chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ bệnh. Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-cho biết: Trước mắt, các địa phương cần xác định mức độ gây hại của bệnh và giai đoạn sinh trưởng của cây mì để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp. Trường hợp nếu có bọ phấn thì tiến hành phun trừ môi giới truyền bệnh ngay bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Dinotefuran, Pymetrozine. Đồng thời, tiến hành nhổ tiêu hủy diện tích mì bị bệnh khảm lá vi rút để tránh lây lan nguồn bệnh. Việc nhổ bỏ cũng cần xem xét. Đối với cây mì trồng 3 tháng trở xuống, bị nhiễm dưới 50% thì tiến hành nhổ tiêu hủy toàn bộ số cây bệnh, tiếp tục chăm sóc cây còn lại, thu hoạch sớm và sau khi thu hoạch xong, cần tiêu hủy toàn bộ số cây trên đồng ruộng; nếu trên 50% số cây bị bệnh thì tiến hành nhổ tiêu hủy toàn bộ. Đối với cây mì trồng trên 5 tháng, bị nhiễm dưới 70% thì tiến hành nhổ tiêu hủy toàn bộ số cây bị bệnh, tiếp tục chăm sóc cây còn lại, thu hoạch sớm, sau khi thu hoạch xong cần tiêu hủy toàn bộ; nếu trên 70% thì tiến hành nhổ tiêu hủy toàn bộ, tận thu củ làm thức ăn cho gia súc... “Các giống mì nhập vào địa bàn phải thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch thực vật. Đồng thời, chuyển đổi những diện tích bị nhiễm bệnh sang trồng các loại cây trồng khác như bắp, đậu đỗ... ít nhất 1 năm mới trồng mì trở lại”-ông Uyển nói.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm