(GLO)- Hiện nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới cung cấp nước cho hơn 11% tổng diện tích cây trồng. Tỷ lệ này còn rất thấp so với tỷ lệ trung bình ở khu vực Tây Nguyên là 25%.
Hệ thống kênh dẫn nước của thủy lợi Plei Keo (huyện Chư Sê). Ảnh: Lê Nam |
Huyện Krông Pa hiện có 9 công trình thủy lợi với tổng năng lực thiết kế tưới cho hơn 5.615 ha cây trồng. Những năm gần đây, nhờ nguồn nước từ các công trình thủy lợi và điều tiết hợp lý nên huyện đảm bảo nguồn nước để phục vụ sản xuất.
Ông Rơ Ô Blênh (buôn Prong, xã Ia Mlah) cho biết: “Trước đây, khi chưa có nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mlah, người dân chỉ sản xuất lúa 1 vụ. Những năm bị nắng hạn thì coi như mất mùa. Nay được Nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương dẫn nước từ thủy lợi Ia Mlah về tận ruộng, bà con làm được lúa nước 2 vụ”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Trần Văn Điến (thôn Tân Sao, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cho hay: “Hệ thống kênh mương dẫn nước từ công trình thủy lợi Biển Hồ về đã giúp người dân tưới cà phê và một số cây ngắn ngày khác”.
Còn ông Trương Quốc Canh (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) thì chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 2 ha cà phê kinh doanh. Hàng năm, tôi đều lấy nước tưới từ hồ thủy lợi của Công ty Cà phê Ia Sao 2. Ngoài ra, tôi còn tưới thuê cho một số hộ lân cận”.
Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai xây dựng một số công trình thủy lợi lớn như: hồ Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh) có diện tích tưới 1.620 ha, cấp nước sinh hoạt cho 48.300 người dân; hồ Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) diện tích thiết kế 600 ha; hồ Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ) có diện tích tưới 555 ha, cấp nước sinh hoạt cho 7.500 người dân; hệ thống kênh chính Đông và chính Tây thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) với diện tích tưới 8.500 ha; thủy lợi Plei Keo (huyện Chư Sê) có diện tích tưới 500 ha...
Kiểm tra hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện Đak Đoa. Ảnh: Lê Nam |
Toàn tỉnh hiện có 352 công trình thủy lợi kiên cố với tổng năng lực thiết kế tưới là 67.411 ha. Hiện các công trình thủy lợi đảm bảo hiệu quả khai thác trên 70% năng lực thiết kế, đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân. |
Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: “Đến nay, Dự án thủy lợi Tầu Dầu 2 đã hoàn thành hơn 80% khối lượng. Khi công trình đưa vào sử dụng sẽ giúp địa phương ứng phó với sự biến đổi khí hậu, điều tiết nước để giảm lũ cho hạ du, kết hợp nuôi trồng thủy sản; đồng thời cung cấp nước tưới chủ động khoảng 555 ha đất canh tác của vùng dự án và cấp nước sinh hoạt cho người dân”.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: “Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, làm đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, các công trình thủy lợi mới cung cấp nước cho hơn 11% tổng diện tích cây trồng của tỉnh. Tỷ lệ này còn rất thấp so với tỷ lệ trung bình ở khu vực Tây Nguyên là 25%”.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, ngành tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư các công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các hồ chứa nước để tưới cho các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao; lồng ghép các nguồn lực để kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp công trình thủy lợi.
Phấn đấu tăng tỷ lệ công trình cấp nước tập trung bền vững và tương đối bền vững bình quân mỗi năm đạt 5% trở lên. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi lớn như: hồ Ia Tul (huyện Ia Pa) với năng lực tưới 7.700 ha; suối Lơ (huyện Kbang) tưới 1.500 ha; hồ Đak Pờ Tó (huyện Mang Yang) tưới 2.150 ha. Cùng với đó là hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu thông qua việc nâng cấp sửa chữa hồ chứa Ia Mlah (huyện Krông Pa), thực hiện giai đoạn 3 thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông), hiện đại hóa thủy lợi Ayun Hạ (huyện Phú Thiện)...
LÊ NAM