Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 3 tháng triển khai công tác phòng-chống bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu, bò, dịch bệnh không còn lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh dịch tả heo châu Phi có nguy cơ bùng phát, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Khống chế bệnh VDNC

Hơn 3 tháng qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai phối hợp cùng các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt như bao vây khống chế ổ dịch, tuyên truyền, vận động người dân mua vắc xin tiêm phòng, sử dụng hóa chất diệt các loại côn trùng truyền bệnh... Nhờ đó, toàn tỉnh có 15.473 con bò được điều trị khỏi bệnh, hiện còn 2.798 con bị bệnh. Một số địa phương cơ bản đã khống chế dịch, không phát sinh thêm bò mắc bệnh như: Đak Đoa, Chư Sê, thị xã An Khê, TP. Pleiku. Đối với các xã đã qua 21 ngày không xuất hiện bò bị bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành thẩm định để đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tham mưu UBND huyện ban hành quyết định công bố hết dịch.

Ông Nguyễn Thành Châu (làng Nhiên, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cho biết: “Ngay khi bệnh VDNC xuất hiện, tôi chủ động mua vắc xin về tiêm phòng cho hơn 100 con bò của gia đình. Dù vậy, vẫn có 10 con bị mắc bệnh. Nhờ chăm sóc tốt, số bò này đã khỏi bệnh và phát triển bình thường”.

Chốt kiểm soát khu vực có dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại làng Brếp (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang). Ảnh: Nguyễn Diệp
Chốt kiểm soát khu vực có dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại làng Brếp (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang). Ảnh: Nguyễn Diệp


Còn ông Ngul (làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) thì cho hay: “Gia đình tôi có 12 con bò. Khi phát hiện 1 con có các triệu chứng của bệnh VDNC, tôi đã báo cán bộ thú y đến kiểm tra và mua vắc xin về tiêm phòng, tích cực chữa trị. Hiện nay, đàn bò phát triển ổn định. Hàng ngày, tôi tập trung chăm sóc và thực hiện các biện pháp phun thuốc, xông khói để đẩy đuổi các loại côn trùng truyền bệnh, quyết tâm không để dịch lây lan”.

Theo ông Diệp Đại Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa: Từ khi xuất hiện bệnh VDNC trên đàn bò, ngành chức năng và huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân mua vắc xin về tiêm phòng, mở các lớp tập huấn hướng dẫn nhận biết và cách phòng-chống dịch bệnh. Đặc biệt, huyện chủ động xuất ngân sách mua vắc xin VDNC và hóa chất diệt côn trùng hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo. Đến nay, đàn bò tại 8 xã đã qua 21 ngày không phát sinh bệnh mới. Cơ quan chuyên môn đang thẩm định để tham mưu UBND huyện ban hành quyết định công bố hết dịch VDNC trên địa bàn.

Tại TP. Pleiku, bà Nguyễn Thị Thùy Dung-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp-thông tin: Sau hơn 2 tháng quyết liệt triển khai các biện pháp phòng-chống bệnh VDNC, đến nay, dịch bệnh đang giảm mạnh. Hiện chỉ còn 24 con bò mắc bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh ngày càng tăng và không phát sinh ổ dịch mới. “Hiện nay, Trung tâm tiếp tục hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, thường xuyên chăm sóc và tiêu độc khử trùng chuồng trại. Đồng thời, chủ động tiêm phòng các loại vắc xin nhằm giảm nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh gây thiệt hại cho người chăn nuôi”-bà Dung cho biết thêm.

Nguy cơ bùng phát dịch tả heo châu Phi

Hiện nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 2 huyện Ia Pa và Chư Păh với số lượng đã tiêu hủy là 373 con. Tại huyện Ia Pa, từ ngày 30-7 đến nay, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại 5 xã. Ông Nguyễn Văn Hoài (thôn Bình Hòa, xã Chư Răng, huyện Ia Pa) cho hay: “Những năm trước, đàn heo của gia đình cũng bị bệnh dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại nặng. Sau gần 2 năm bỏ trống chuồng, tôi mới gầy nuôi trở lại 7 con heo nái và 6 con heo thịt. Vừa rồi, cả đàn bị bệnh dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy gây thiệt hại gần 200 triệu đồng. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ một phần để có vốn tái đàn trong thời gian tới”.

Tiêu hủy heo mắc bệnh chết. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tiêu hủy heo mắc bệnh chết. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-cho biết: Ngay khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, huyện tập trung khoanh vùng các ổ dịch, tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại; đồng thời, tiêu hủy số heo mắc bệnh nhằm hạn chế tối đa không để lây lan trên diện rộng.

Theo ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch tả heo châu Phi xuất hiện rải rác tại huyện Ia Pa và Chư Păh. Nguyên nhân là do bệnh này chưa có vắc xin tiêm phòng và chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. “Để phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi, người dân cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chọn con giống, thức ăn đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung xử lý triệt để các ổ dịch cũ, thành lập chốt chặn không cho mua bán vận chuyển heo ra vào vùng dịch. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động người dân phòng-chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, thường xuyên dùng vôi bột, hóa chất để tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, có như vậy mới giảm được nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong thời gian tới”-ông Thanh khuyến cáo.

 

 NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm