Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành Công thương Gia Lai đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, quyết tâm không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, gây khan hàng, sốt giá.

Tăng cường cung ứng hàng hóa tại vùng dịch

Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai chiếm khoảng 50% thị phần hàng hóa thiết yếu trong toàn tỉnh. Ông Lê Đức Duy-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: Hiện nay, Công ty có 40 xe tải với lượng hàng cung ứng bình quân khoảng 80 tấn/ngày. Từ khi trên địa bàn xảy ra dịch, hàng hóa vẫn được phân phối đều đến các địa phương, không bị gián đoạn. Công ty đã đàm phán với các đối tác để chủ động nguồn hàng phục vụ hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, lượng hàng đặt về chậm hơn so với bình thường do khâu vận chuyển qua các chốt kiểm dịch bị vướng, các nhà sản xuất thu hẹp công suất. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Công ty cũng gặp khó khăn nhất định. “Thời điểm này, hàng hóa luôn tồn kho với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn hàng cho vùng dịch, chúng tôi đã làm việc với các địa phương và lên phương án cụ thể nhằm đảm bảo thông suốt, tránh ách tắc kéo dài”-ông Duy cho biết thêm.

Lượng hàng hóa tại các siêu thị khá dồi dào, đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Vũ Thảo
Lượng hàng hóa tại các siêu thị khá dồi dào, đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Vũ Thảo


Cũng liên quan đến việc cung ứng hàng hóa tại vùng dịch, ông Ngô Trọng Duy-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên COMEXIM Chư Sê-cho hay: Thời điểm này, lượng hàng dự trữ tăng hơn 20% so bình thường với giá trị tồn kho khoảng 18 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, Công ty có 5 xe chuyên vận chuyển các loại nhu yếu phẩm như: mì tôm, xúc xích, nước mắm, hạt nêm, bánh, sữa… “Hiện nay, một số loại hàng hóa đi về từ Bình Dương đang bị ách tắc ở chốt cầu 110 nên về chậm hơn dự kiến. Bên cạnh đó, công tác vận chuyển hàng từ kho của Công ty đến các điểm bán ở các địa phương như: Ayun Pa, Krông Pa, Ia Pa cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên, thời điểm này, hàng hóa dự trữ rất dồi dào, không lo thiếu hàng tiêu dùng thiết yếu”-ông Duy thông tin thêm.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Thương mại Nam Gia Lai cũng đã chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa và phương tiện để phục vụ nhu cầu của người dân tại thị xã Ayun Pa và phân bổ chi viện đến huyện Ia Pa, Krông Pa.

Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Tại các vùng tạm thời phong tỏa để chống dịch, Sở Công thương đã yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên COMEXIM Chư Sê, Công ty cổ phần Thương mại Nam Gia Lai đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nâng công suất dự trữ của kho lên 1,5 lần so với trước; đồng thời, sẵn sàng lượng xe vận chuyển hàng phục vụ tại vùng bị cách ly với tinh thần khẩn trương, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng; đảm bảo khâu vận chuyển, không để ách tắc. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đứng chân trên địa bàn thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, Ia Pa khẩn trương khai thác tối đa công năng các kho hàng, tăng cường nhập hàng về kho, đảm bảo nguồn hàng tại chỗ, chủ động cung ứng nhu cầu tiêu dùng; không để xảy ra trường hợp đột biến về giá cả, mất cân đối cung-cầu.

Không để khan hàng, sốt giá

Trong những ngày vừa qua, sức tiêu thụ các mặt hàng nhu yếu phẩm, tiêu dùng tại một số siêu thị, chợ, cửa hàng tăng đáng kể. Tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, lượng khách không tăng đột biến, nhưng mức tiêu thụ nhóm hàng thực phẩm lại tăng gấp đôi so với trước đó. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị-cho hay: “Co.op Mart Pleiku đã lên kế hoạch dự trữ nhóm hàng thực phẩm khoảng 30 tỷ đồng. Chúng tôi khuyến cáo khách mua lượng vừa phải, đủ sử dụng cho gia đình mà không nên dự trữ. Ngoài lượng bán trực tiếp tăng mạnh thì bán hàng qua các kênh online cũng tăng gấp đôi trong mấy ngày qua”.

Siêu thị Co.op Mart Pleiku luôn đáp ứng nhu cầu của người dân về thực phẩm tươi sống. Ảnh: Vũ Thảo
Siêu thị Co.op Mart Pleiku luôn đáp ứng nhu cầu của người dân về thực phẩm tươi sống. Ảnh: Vũ Thảo

Đến nay, 17 huyện, thị xã, thành phố đã gửi phương án dự trữ hàng hóa về Sở Công thương. Dự kiến tổng trị giá hàng hóa dự trữ trong thời gian 2 tháng khoảng 9.000 tỷ đồng với 65 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, chủ động dự trữ 1.200 tấn gạo, 94,6 tấn gia súc, 105 tấn gia cầm, 10,6 tấn muối ăn, 42 ngàn thùng mì tôm, 28 tấn lương khô, 63 ngàn lít dầu ăn, 15 tấn bột ngọt, 110 ngàn lít nước mắm, 25 ngàn thùng nước đóng chai, 200 tấn xăng dầu, 50 ngàn bình gas và một số hàng thiết yếu khác.
 

Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai thì cho hay: Công ty đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa với trị giá hơn 80 tỷ đồng bao gồm các mặt hàng thiết yếu như: mì tôm, dầu ăn, nước mắm, sữa, đồ hộp, bánh kẹo, nước uống các loại… Với lượng hàng dự trữ như vậy, 40 xe tải vận chuyển hàng khắp 17 huyện, thị xã, thành phố sẽ đáp ứng đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu cho các điểm bán lẻ để phục vụ nhu cầu người dân.

Theo ông Phạm Văn Binh, ngành Công thương tỉnh đã kích hoạt các biện pháp phòng-chống dịch lên mức cao nhất, xây dựng kế hoạch dự trữ, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa. Nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh, ngành Công thương đang thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hàng hóa tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương).

 Ngoài chủ động lượng hàng hóa, COMEXIM Gia Lai đặc biệt chú trọng công tác khử khuẩn xe hàng để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.jpg
Ngoài chủ động lượng hàng hóa, COMEXIM Gia Lai đặc biệt chú trọng công tác khử khuẩn xe hàng để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Thảo


“Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối chuẩn bị lượng hàng hóa và phương tiện đảm bảo cho vùng dịch. Bên cạnh đó, ngành cũng sẵn sàng các phương án trong trường hợp tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để điều tiết cung cầu hàng hóa, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải nâng công suất các kho dự trữ lên khoảng 20%; có phương án bán hàng lưu động; đồng thời, tìm ra phương thức vận chuyển phù hợp để đảm bảo công tác phòng-chống dịch, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa…”-ông Binh nhấn mạnh.
 

VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm