Giáo dục

Tin tức

Gia Lai: Sẵn sàng dạy và học trực tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, học sinh toàn tỉnh Gia Lai tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2 để phòng-chống dịch Covid-19. Công tác dạy và học được chuyển sang hình thức trực tuyến với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Đến nay, hầu hết cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết, sẵn sàng triển khai nhiệm vụ này.
Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) họp triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến. Ảnh: Hồng ThiTrường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) họp triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến. Ảnh: Hồng Thi
Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) họp triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến. Ảnh: Hồng Thi
Chủ động triển khai
Thực hiện mục tiêu vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 trong bối cảnh dịch bệnh, Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc dạy học qua internet. Theo thầy Trần Tâm-Hiệu trưởng nhà trường, việc dạy học trực tuyến được nhà trường triển khai thông qua trang http://thcsphamhongthaipleiku.lms.vnedu.vn. Đây là hệ thống nội bộ được nhà trường xây dựng dưới sự hỗ trợ của VNPT Gia Lai. Mỗi giáo viên, học sinh đều có tài khoản đăng nhập riêng để dạy và học.
Thông qua địa chỉ này, giáo viên đăng tải bài giảng theo từng tuần và ấn định thời gian hoàn thành bài học cho học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường cũng có thể quản lý việc dạy trực tuyến của từng giáo viên và từng học sinh để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở. Ngoài ra, trên website của trường tại địa chỉ http://thcsphamhongthai.pgdpleiku.edu.vn còn có sẵn kho dữ liệu bài học phong phú. Từ trước Tết Nguyên đán, nhà trường đã gửi đường link để học sinh vào tải thêm tài liệu về ôn tập.
“Để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả, chúng tôi đã quán triệt tất cả văn bản chỉ đạo của ngành, kế hoạch giảng dạy trực tuyến của nhà trường đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh; tập huấn cho giáo viên, học sinh tiếp cận ứng dụng. Vì học sinh của trường khá đông (2.241 học sinh/46 lớp) nên Ban Giám hiệu đã giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với phụ huynh tạo điều kiện cho học sinh về kỹ thuật, phương tiện để học trực tuyến; đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở và giám sát con em mình tham gia học tập đầy đủ, nghiêm túc”-thầy Tâm cho biết.
Tương tự, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc tổ chức dạy học trực tuyến để phòng-chống dịch Covid-19, Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai cũng xây dựng những phương án cụ thể cho từng cấp học.
Cô Lê Thị Hồng Linh-Phó Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Đối với học sinh các lớp 1, 2, 3 vì chưa thành thạo thao tác trên máy nên giáo viên sẽ gửi bài tập cho phụ huynh in ra cho các em làm, sau đó chụp kết quả gửi lại cho giáo viên hoặc tạo đường link để phụ huynh cho con làm bài trực tiếp trên đó; giáo viên sẽ chấm điểm và phản hồi đánh giá lại cho cha mẹ học sinh. Từ lớp 4 đến lớp 12, nhà trường sẽ dạy theo hình thức online qua ứng dụng Google Classroom với thời khóa biểu cụ thể.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em khi học trực tuyến, nhà trường đã giảm số tiết học mỗi buổi và kéo dài thời gian giải lao giữa các tiết. Theo đó, học sinh lớp 1 đến lớp 8 sẽ học buổi sáng 3 tiết, chiều 2 tiết; còn từ lớp 9 đến lớp 12 sẽ học mỗi buổi 3 tiết. Riêng các môn Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục, giáo viên sẽ gửi bài để học sinh thực hiện tại nhà.
Với kinh nghiệm có được từ năm học trước, hầu hết giáo viên không gặp nhiều khó khăn khi chuẩn bị cho việc dạy và học trực tuyến. Cô Lê Thị Trung Anh-giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái-chia sẻ: “Vì đã được tập huấn và trải nghiệm nên chúng tôi không còn bỡ ngỡ. Sau khi soạn bài giảng trên powerpoint, chúng tôi sẽ upload lên web tùy theo số lượng tiết học cho học sinh.
Đối với 2 môn Hóa học và Sinh học mà tôi đảm trách, ngoài lý thuyết, tôi còn đưa các video clip thí nghiệm mẫu để các em dễ dàng hình dung khi không có điều kiện thực hành trực tiếp. Bên cạnh đó, đối với những bài học khó, chúng tôi sẽ thông qua giáo viên chủ nhiệm để thông báo cho học sinh về thời gian cụ thể học trực tuyến tập trung thông qua zoom”.
Nhiều phụ huynh cũng đã sẵn sàng đồng hành cùng con em mình học tập tại nhà trong mùa dịch. Chị Lê Thị Phượng (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 bé sinh đôi đang học lớp 1. Vì dịch bệnh nên các con phải tạm nghỉ học từ trước Tết. Vợ chồng tôi theo đó cũng phải sắp xếp thời gian để hỗ trợ con trong học tập. Chúng tôi tải bài học và bài tập mà giáo viên chủ nhiệm gửi qua Zalo, in ra rồi hướng dẫn các con. Riêng môn Tiếng Việt thì dựa vào sách giáo khoa hướng dẫn con đọc hiểu là chủ yếu”.
Nhiều phụ huynh đã sẵn sàng đồng hành cùng con mình học tập hiệu quả tại nhà trong mùa dịch. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều phụ huynh đã sẵn sàng đồng hành cùng con mình học tập hiệu quả tại nhà trong mùa dịch. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều trường gặp khó
Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh cho học sinh, sinh viên, học viên toàn tỉnh nghỉ học đến hết ngày 28-2. Cùng với đó, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học qua internet; xây dựng, triển khai kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện của học sinh, đơn vị nhằm giúp học sinh nắm bắt kiến thức trong thời gian tạm dừng đến trường; chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát, bổ sung nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên học sinh; có phương án hướng dẫn học sinh học tập, hoàn thành nhiệm vụ được giao; phối hợp tốt với chính quyền địa phương, phụ huynh trong quản lý, tổ chức có hiệu quả công tác học tập của học sinh tại nhà và triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống dịch... Các đơn vị thuộc vùng thuận lợi có thể tổ chức dạy học trực tuyến bài mới kết hợp ôn tập kiến thức đã học; các đơn vị thuộc vùng khó khăn có thể dạy học trực tuyến hoặc chuyển giao tài liệu ôn tập dưới dạng bản in cho học sinh tự học tại nhà.

Trên thực tế, việc dạy và học trực tuyến trong thời điểm dịch bệnh là rất cần thiết. Không chỉ cung cấp, ôn lại kiến thức cho học sinh, hình thức này còn giúp các gia đình quản lý con em mình trong thời gian nghỉ học kéo dài. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thầy Nguyễn Thanh Quang-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đak Hlơ (xã Đak Hlơ, huyện Kbang) phân tích: “Phần lớn học sinh của trường không đủ điều kiện về thiết bị và hạ tầng kỹ thuật để tham gia học trực tuyến. Vì thế, chúng tôi không thể triển khai được. Thay vào đó, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn chỉ có thể giao bài tập và hướng dẫn cho các em tự ôn tập tại nhà trong thời gian nghỉ học để phòng-chống dịch. Sau khi học sinh đi học tập trung trở lại, chúng tôi sẽ rà soát, củng cố lại kiến thức cho các em. Nhà trường cũng đã báo cáo tình hình này lên Phòng GD-ĐT huyện để tìm hướng tháo gỡ”.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang cũng đang gặp khó khăn tương tự. Trung tâm có gần 90 học viên đang theo học nghề và văn hóa, 100% là người dân tộc thiểu số đến từ các xã khó khăn trên địa bàn huyện. Vì vậy, việc trang bị mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến là bất khả thi.
“Lãnh đạo Trung tâm và giáo viên chủ nhiệm đã xuống tận nhà để nắm bắt hoàn cảnh gia đình từng học viên. Trong điều kiện cho phép, Trung tâm sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để cùng với gia đình mua sắm máy tính cũ cho các em học tập; đồng thời, đề nghị với chính quyền địa phương hỗ trợ về đường truyền internet để các em thuận tiện học trực tuyến tại các nhà sinh hoạt cộng đồng. Riêng những trường hợp quá khó khăn, có lẽ chúng tôi sẽ phải tính đến phương án dạy tại Trung tâm nhưng tuân thủ nghiêm giải pháp an toàn phòng dịch như: đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn, giãn cách... theo đúng quy định”-Giám đốc Trung tâm Lưu Quốc Bảo Trung cho hay.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm