Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây cà phê. Thực tế đó đòi hỏi các ngành, địa phương và doanh nghiệp cần có giải pháp giúp người dân tổ chức lại sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và thu nhập.

Thay đổi để thích ứng

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) là một trong những doanh nghiệp tiên phong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty-cho hay: Trong 22 ngàn ha cà phê vùng nguyên liệu của Công ty, chúng tôi đã dần xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất theo hệ sinh thái tuần hoàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tham gia chuỗi liên kết, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế do Công ty hướng dẫn. Ở chiều ngược lại, họ được Công ty hỗ trợ vật tư nông nghiệp đầu vào, bao tiêu đầu ra với giá tốt. Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty được các thị trường khó tính trên thế giới ưa chuộng; hoạt động sản xuất, xuất khẩu duy trì ổn định và tăng trưởng khá qua các năm.

Trước đây, với 2 ha cà phê độc canh, gia đình ông Đỗ Minh Phụng (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) có thu nhập không cao do chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó, do không có cây che bóng, lại lạm dụng phân bón, thuốc hóa học nên vườn cây nhanh già cỗi. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi tích cực kể từ khi ông tham gia Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Ia Ring để liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Ông Phụng chia sẻ: “Qua những buổi tham gia tập huấn do Công ty tổ chức, tôi bắt đầu thay đổi phương thức canh tác cà phê. Cụ thể, tôi trồng xen sầu riêng, bơ và hồ tiêu leo trên cây che bóng của vườn cà phê; tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ mà để thảm cỏ tự nhiên, hạn chế bón phân hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ… Nhờ đó, vườn cây phát triển bền vững hơn, cho năng suất ổn định trong khi chi phí đầu tư giảm rất nhiều. Đặc biệt, bên cạnh nguồn thu ổn định khoảng 200 triệu đồng từ cà phê, tôi còn có thêm 300-400 triệu đồng từ cây sầu riêng, bơ”.

Mỗi năm, 2 ha cà phê trồng xen cây ăn quả của gia đình ông Đỗ Minh Phụng (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) mang lại thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ảnh: N.Q

Mỗi năm, 2 ha cà phê trồng xen cây ăn quả của gia đình ông Đỗ Minh Phụng (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) mang lại thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ảnh: N.Q

Ông Trần Quốc Hưng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Ia Ring-cho biết: Hợp tác xã hiện có 50 thành viên liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp canh tác gần 200 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Tham gia chuỗi liên kết, các thành viên HTX được Công ty hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất và cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/kg cà phê nhân. “Phần lớn thành viên và người dân tham gia chuỗi liên kết đã chuyển dần từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ nên vườn cây phát triển khá bền vững, cho năng suất ổn định. Đặc biệt, hầu hết các vườn cà phê đều được người dân trồng xen một số loại cây ăn quả và cây che bóng, vừa tăng thu nhập, vừa tạo cảnh quan môi trường xung quanh để cây cà phê phát triển một cách tự nhiên, phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường khó tính”-ông Hưng nói.

Còn ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa) thì thông tin: Hợp tác xã có 2 tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, Rainforest với diện tích 70 ha và dự kiến tăng lên 500 ha trong năm nay. Để hỗ trợ các tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, HTX thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình canh tác cho các thành viên ngay tại vườn cây. Thói quen, tư duy sản xuất cũ của người dân đã dần thay đổi. Họ đã loại bỏ dần các loại hóa chất độc hại trong quy trình chăm sóc cà phê như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học; tăng cường lượng phân bón hữu cơ vi sinh, các loại phân hữu cơ tự ủ, giảm tối đa phân bón vô cơ... “Trước tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, chúng tôi xác định và định hướng người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, Rainforest, Organic. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên cải tạo đất, phục hồi vườn cây, bảo vệ nguồn nước tưới không bị ô nhiễm để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cà phê”-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh cho biết thêm.

Hướng đến sản xuất bền vững

Theo ông Thái Như Hiệp, để phát triển cây cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu thì các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tuần hoàn, trong đó, lợi nhuận được chia đều cho tất cả những người tham gia. Toàn tỉnh hiện có hơn 98 ngàn ha cà phê, vùng nguyên liệu của Công ty chiếm gần 1/4 diện tích và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. “Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu, bản thân doanh nghiệp và các HTX, tổ liên kết buộc phải thay đổi sản xuất theo các chứng nhận quốc tế hiện hành. Theo đó, các loại cây nông nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng phải được phát triển theo hướng tự nhiên. Chúng tôi sẽ tập trung tập huấn, hướng dẫn người dân canh tác theo các tiêu chuẩn như hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc diệt cỏ; trồng cây che bóng, sử dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm… Đồng thời, người dân phải tăng cường sử dụng phân chuồng, hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón, khí đốt. Ngoài ra, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng một vùng nguyên liệu xanh, tuần hoàn về các vật tư nông nghiệp để tái sinh vườn cà phê, chuyển dần từ canh tác vô cơ sang hữu cơ, người dân sẽ có thêm lợi ích từ việc bán khí thải carbon trên cây cà phê”-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Để canh tác cà phê theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, thời gian tới, huyện tiếp tục vận động người dân tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, chú trọng sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; tăng hàm lượng phân bón hữu cơ, hạn chế phân bón vô cơ, thuốc hóa học nhằm tạo độ bền cho cây cà phê; sản xuất theo các tiêu chuẩn 4C, Rainforest và hướng đến sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm từng bước hình thành vùng nguyên liệu bền vững đảm bảo cho xuất khẩu. Đặc biệt, đối với những diện tích cà phê tái canh, huyện sẽ tập trung hướng dẫn người dân trồng xen cây ăn quả, cây che bóng, chắn gió trong vườn nhằm tạo môi trường tự nhiên cho cây phát triển bền vững.

Nông dân đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân bón cho cây, góp phần tái tạo đất, từng bước hình thành phương thức sản xuất theo hướng tuần hoàn. Ảnh: Quang Tấn

Nông dân đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân bón cho cây, góp phần tái tạo đất, từng bước hình thành phương thức sản xuất theo hướng tuần hoàn. Ảnh: Quang Tấn

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Năm 2022, tổng sản lượng cà phê đạt 257.480 tấn; giá trị sản xuất đạt trên 7.186,59 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), chiếm 26,61% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh. Những năm qua, sản xuất cà phê đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, trong đó có một bộ phận không nhỏ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống người dân; tỷ lệ hộ gia đình khá và giàu từ cây cà phê ngày càng tăng. Tuy nhiên, cà phê Gia Lai đang phải đối mặt với không ít khó khăn như: biến đổi khí hậu; quy mô sản xuất nhỏ lẻ chiếm khoảng 85% diện tích; chi phí sản xuất cao; kỹ thuật sản xuất, thu hái, sơ chế, bảo quản còn hạn chế; liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa tốt; hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất; năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai còn hạn chế...

“Để ngành sản xuất cà phê phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tập huấn quy trình canh tác cà phê theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Sử dụng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, an toàn và có trách nhiệm thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai, đảm bảo môi trường trong vùng nguyên liệu. Áp dụng các quy trình canh tác bền vững, hướng đến cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các phế phụ phẩm ủ làm phân bón hữu cơ, phân chuồng và phân vi sinh bổ sung dinh dưỡng cho cây cà phê, chống xói mòn. Hướng dẫn người trồng cà phê tưới đúng, tưới đủ lượng nước theo nhu cầu từng giai đoạn; khuyến khích xây dựng các xưởng sơ chế, chế biến tại các vùng sản xuất cà phê tập trung. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải hợp với tiêu chuẩn môi trường và các quy định của pháp luật. Đặc biệt, khâu phơi, sấy thì dùng các nhiên liệu sẵn có và năng lượng mặt trời ở những nơi có điều kiện. Đồng thời, tiếp tục đưa các giống cà phê năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc và thu hái cà phê... Tổ chức sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị bền vững, gắn kết 5 nhà: Nhà nước-nhà nông-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-ngân hàng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm