Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai siết chặt kiểm soát thị trường dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thị trường hàng hóa đã bắt đầu vào mùa cao điểm kinh doanh dịp Tết. Đây cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp. Vì vậy, lực lượng chức năng tại Gia Lai đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nâng cao chất lượng hàng hóa
Thời điểm này, tại các siêu thị, chợ và cửa hàng, hàng hóa được bày bán rất dồi dào, phong phú về chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Sức mua cũng bắt đầu tăng mạnh ở những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, mứt, thuốc lá, quần áo, giày dép… Bà Quách Thị Thúy Nga-Chủ cửa hàng Nga Đông (77 Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) cho biết: “Để chủ động nguồn hàng cũng như ổn định giá cả, chúng tôi nhập hàng từ các công ty lớn, nhà phân phối uy tín. Hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài bán hàng Việt Nam chất lượng cao, cửa hàng còn có thêm nhiều loại thực phẩm nhập khẩu của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…”.
Ông Nguyễn Quốc Việt-Chủ cửa hàng tạp hóa Liễu Đồng (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Năm nay, hàng hóa rất dồi dào, đa dạng và chỉ có một số mặt hàng tăng giá nhẹ, còn lại cơ bản không tăng. 95% lượng hàng hóa sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, hàng Việt Nam chất lượng cao. Bây giờ, tâm lý và xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao, họ rất chú trọng đến thương hiệu, xuất xứ hàng hóa. Do đó, nếu họ phát hiện có sự trà trộn hàng kém chất lượng thì cửa hàng sẽ mất uy tín, khách hàng sẽ rời xa ngay”.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, sức mua hàng hóa bắt đầu tăng mạnh, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm. Ảnh: Vũ Thảo
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, sức mua hàng hóa bắt đầu tăng mạnh, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm. Ảnh: Vũ Thảo
Theo dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12-2022 và tháng 1-2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 20.800 tỷ đồng. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa đối với nhóm lương thực, thực phẩm hơn 7.847 tỷ đồng; nhóm nguyên liệu, vật liệu hơn 5.365 tỷ đồng; nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng 1.415 tỷ đồng; hàng may mặc, giày dép, mũ nón 5.982 tỷ đồng; hoa Tết 40 tỷ đồng; hàng hóa dịch vụ khác khoảng 190 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Sở đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, bảo đảm hàng hóa có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý. Sở cũng theo dõi, đánh giá sát diễn biến cung cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn, biến động giá để chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời, nhằm đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến. Đồng thời, Sở phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát giá cả, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của doanh nghiệp; xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. 
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Vào dịp Tết, bên cạnh những cửa hàng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng hàng hóa thì một số người lợi dụng trà trộn hàng hóa kém chất lượng, mập mờ nguồn gốc xuất xứ để trục lợi bất chính. Thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2023, ngày 15-12-2022, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an TP. Pleiku) kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Voòng Nguyễn Thu Hà (địa chỉ 117 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) thì phát hiện có hơn 600 kg xúc xích, thịt nạm bò, thịt thăn bò, tủy bò, giò heo, đuôi heo, dạ trường heo, thịt gà tây, gà bó xôi và chim cút… không rõ nguồn gốc. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản, tạm giữ tang vật và xử phạt hộ kinh doanh này 17 triệu đồng.
Hàng hóa được các cửa hàng nhập về rất dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Hàng hóa được các cửa hàng nhập về rất dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Theo báo cáo nhanh của Cục QLTT tỉnh, từ ngày 15-11-2022 đến 5-1-2023, lực lượng QLTT đã phát hiện 124 vụ vi phạm, xử phạt hơn 713 triệu đồng. Công tác kiểm tra tập trung vào các mặt hàng trọng điểm là thực phẩm, thuốc lá, sản phẩm thời trang. Hành vi vi phạm là bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu…
Ông Nguyễn Trường Giang-Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh-cho hay: Trong kế hoạch mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2023, Cục QLTT tập trung xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại… Bên cạnh đó, lực lượng QLTT phối hợp với Công an, Hải Quan, Bộ đội Biên phòng kiểm tra thường xuyên các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực biên giới, các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tuyến đường bộ.
“Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng QLTT còn tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại tiếp tục thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết, chúng tôi chỉ đạo các đội QLTT thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa, tổ chức kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường”-ông Giang thông tin thêm. 
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm