Gia Lai: Sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm 2019

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Tỉnh Gia Lai đang phấn đấu sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 ngay trong năm 2019. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai Điện tử có cuộc trao đổi với ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. 
* P.V: Ông có thể cho biết kết quả đạt được sau 8 năm triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh?
- Ông TRƯƠNG PHƯỚC ANH: Sau 8 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, toàn tỉnh đã làm mới, nâng cấp, sửa chữa hơn 6.000 km đường giao thông các loại, 148 công trình thủy lợi, 392 km kênh mương nội đồng, 1.571 km đường dây điện trung thế, hạ thế, 844 trạm biến áp, 539 trường học các cấp, 151 nhà văn hóa, khu thể thao xã, 540 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, làng, 47 chợ nông thôn... Ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện 6 dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất, gồm: phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; phát triển giống cây trồng, vật nuôi và khu thực nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ; tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập; cấp nước cho cộng đồng dân cư; xây dựng hồ thủy lợi Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) và hồ Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ).
Riêng năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 68 dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị do các huyện, xã làm chủ đầu tư. Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 12,89%. Toàn tỉnh có 73/184 xã đạt tiêu chí thu nhập. Tổng nguồn vốn đã huy động thực hiện là 30.442,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là hơn 8.770,2 tỷ đồng; vốn tín dụng, doanh nghiệp, nhân dân hơn 21.672,5 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 60 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 32,6%), bình quân mỗi xã đạt 12,7 tiêu chí. Ngoài ra, toàn tỉnh có 14 làng đạt chuẩn làng NTM.
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Thụy
* P.V: Thưa ông, trong triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những khó khăn, vướng mắc gì và đâu là những giải pháp để tháo gỡ?
- Ông TRƯƠNG PHƯỚC ANH: Gia Lai là tỉnh miền núi, có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ khu vực nông thôn là 25,13%) và có 4 huyện nghèo. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45% và có trình độ thấp, lạc hậu, khả năng tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm nên việc phát triển kinh tế để thoát nghèo gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân, như: giao thông, thủy lợi, điện... là rất lớn. Ngoài ra, người dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa chủ động liên kết sản xuất, không chủ động tìm kiếm thị trường để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Do đó, khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo và khả năng đóng góp của người dân còn hạn chế.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp: tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được vai trò chủ thể của mình, từ đó chủ động tham gia xây dựng NTM; tuyên truyền cho người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; đẩy mạnh phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời, ngày 13-2-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đến các thôn, làng, đặc biệt là các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tập trung các giải pháp hỗ trợ cho huyện Kbang để phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện NTM. Huy động và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Hướng dẫn và tạo nhiều điều kiện để các hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đào tạo nghề cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để họ tự tạo việc làm và vươn lên thoát nghèo.
* P.V: Tỉnh Gia Lai đang phấn đấu sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 ngay trong năm 2019. Vậy tỉnh sẽ tập trung triển khai như thế nào để đạt được mục tiêu đó, thưa ông?
- Ông TRƯƠNG PHƯỚC ANH: Tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 (tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23-11-2017) gồm 3 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 là có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; có 70 xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 15,14 tiêu chí xây dựng NTM. Do đó, để sớm đạt mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 ngay trong năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ như: các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tăng cường đi cơ sở kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM theo địa bàn được phân công, có biện pháp chỉ đạo và giúp cơ sở khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020” để phong trào lan tỏa đến từng thôn, làng, hộ dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh... chủ động đăng ký những nội dung thiết thực, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia triển khai xây dựng NTM. Thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án với chương trình xây dựng NTM để hoàn thành các tiêu chí. Đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp cũng như các nguồn khác để phục vụ chương trình xây dựng NTM. Ngoài ra, tiếp tục khuyến khích việc giao cho cộng đồng dân cư thực hiện xây dựng các công trình theo hướng Nhà nước hỗ trợ một phần, nhân dân tự nguyện hiến đất, góp công sức, tiền của để hoàn thành. Đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt mục tiêu đề ra. Triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ 42 thôn, làng đặc biệt khó khăn vùng biên giới xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá sát thực trạng NTM trên địa bàn các xã và giao kế hoạch đạt từng tiêu chí cụ thể cho từng xã trong năm 2019. Đôn đốc, hướng dẫn và tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện, phấn đấu đạt mục tiêu UBND tỉnh giao tại Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 29-1-2019 về việc phê duyệt danh sách 12 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM và 4 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019. Riêng đối với TP. Pleiku và thị xã An Khê đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, cần sớm hoàn thành hồ sơ đề nghị xét, công nhận hoàn thành xây dựng NTM cấp huyện. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM theo quy định và hướng dẫn các địa phương thực hiện ứng kinh phí Trung ương hỗ trợ năm 2020 để thực hiện trong năm 2019.
*  P.V: Xin cảm ơn ông!
 LÊ NAM (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm