Sức khỏe

Gia Lai: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận trên 1.500 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Thời gian gần đây, số ca mắc SXH có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp tại TP. Pleiku và các huyện: Chư Păh, Đak Pơ.

Gia tăng ca mắc SXH

Hình thái thời tiết mưa nắng đan xen đã tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh trưởng và phát triển, kéo theo sự gia tăng các ca mắc trên địa bàn. Ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-thông tin: Bệnh SXH đã xảy ra ở 153/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố.

Dự báo từ nay tới tháng 10-2024, số ca mắc SXH tiếp tục gia tăng vì đây là thời gian cao điểm của dịch bệnh. Các địa phương không thể chủ quan, cần giám sát chặt chẽ và chủ động các biện pháp phòng ngừa SXH.

Bác sĩ của Trung tâm Y tế TP. Pleiku thăm khám cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Ảnh: N.N

Bác sĩ của Trung tâm Y tế TP. Pleiku thăm khám cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Ảnh: N.N

Thành phố Pleiku và huyện Chư Păh đang là điểm nóng của dịch bệnh SXH khi vài tuần trở lại đây, số ca mắc tăng cao, chiếm 1/3 số ca mắc trong toàn tỉnh. Trong đó, TP. Pleiku ghi nhận 37 ca, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 181 ca; còn huyện Chư Păh ghi nhận 21 ca trong tổng số 137 ca mắc.

Bà Lê Thị Hoài-Phó Trưởng trạm Y tế phường Yên Đỗ (TP. Pleiku) cho biết: Phường ghi nhận 19 ca mắc SXH. Ngoài triển khai 2 chiến dịch vệ sinh môi trường phòng-chống SXH hàng năm thì vào thứ bảy hàng tuần, nhân viên y tế tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vệ sinh phòng dịch, chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy để phòng ngừa SXH.

Chị Huỳnh Thị Minh Tâm (tổ 9, phường Yên Đỗ) chia sẻ: “Trên địa bàn khu dân cư đã xuất hiện các ổ dịch SXH nên người dân rất lo lắng. Gia đình tôi có con nhỏ nên ngoài việc dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy thì tự mua thuốc xịt muỗi. Ngành chức năng, địa phương khuyến cáo gì là gia đình chấp hành thực hiện để phòng ngừa SXH”.

Từ đầu năm đến nay, huyện Chư Păh ghi nhận 137 ca mắc SXH tại 9/14 xã, thị trấn. Số ca mắc SXH đang có xu hướng tăng dần và lan rộng đến các thôn, làng. Đặc biệt, thị trấn Phú Hòa đang là điểm nóng với 94 ca.

Ông Phạm Khắc Trung-Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế huyện Chư Păh) cho hay: Cùng kỳ năm ngoái, toàn huyện chỉ ghi nhận 18 trường hợp mắc SXH nhưng năm nay tăng cao với 137 ca và nguy cơ bùng phát dịch tại thị trấn Phú Hòa và các xã lân cận là rất cao. Dự báo tình hình SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nhân viên y tế phường Yên Đỗ (TP. Pleiku) tuyên truyền người dân các biện pháp phòng-chống SXH. Ảnh: Như Nguyện

Nhân viên y tế phường Yên Đỗ (TP. Pleiku) tuyên truyền người dân các biện pháp phòng-chống SXH. Ảnh: Như Nguyện

Chủ động các biện pháp phòng ngừa

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, Trung tâm Y tế huyện Chư Păh đã tổ chức giám sát các trường hợp mắc mới và phun hóa chất phòng-chống dịch SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Các trường hợp mắc/nghi ngờ mắc SXH được giám sát, điều trị kịp thời. Trung tâm sẵn sàng nhân lực, thuốc, hóa chất và chủ động kế hoạch đối phó với các tình huống dịch xảy ra trên diện rộng. Tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về công tác điều tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý dịch bệnh, các biện pháp phòng-chống dịch bệnh SXH; công tác lấy mẫu triển khai xét nghiệm, điều trị trong phòng-chống bệnh SXHD cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã”-ông Trung thông tin.

Hiện nay, SXH lưu hành trên địa bàn tỉnh cùng lúc 3/4 tuýp SXH gồm DEN 1, DEN 2 và DEN 4. Số ca nhiễm SXH được chẩn đoán có dấu hiệu cảnh báo gia tăng một phần do có sự xuất hiện của tuýp DEN 2 nhiều hơn so với trước đây, một phần do người dân chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Ngoài tăng cường công tác giám sát và xử lý dứt điểm các ổ dịch SXH, Trung tâm Y tế TP. Pleiku chú trọng công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng cho tình huống bệnh nhân nhập viện tăng cao.

Bác sĩ Nguyễn Thị My (Khoa Nội Nhi Nhiễm-Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế TP. Pleiku) cho biết: “Số bệnh nhân nhập viện điều trị những ngày qua có chiều hướng gia tăng. Ngoài các bệnh nhân tại TP. Pleiku, đơn vị cũng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân các huyện lân cận. Chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu dung, điều trị cho người bệnh”.

Dịch bệnh SXH hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên thường diễn biến phức tạp, khó lường.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Để phòng-chống SXH hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi SXH, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm