(GLO)- Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn giảm thiểu số vụ và thiệt hại cháy, nổ, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC-CHCN) trên địa bàn tỉnh.
Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, chỉ trong 4 tháng đầu năm đã xảy ra 10 vụ cháy, làm chết 1 người, thiệt hại về tài sản hơn 1,6 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống của Nhân dân.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và đoàn thể các cấp cần xác định công tác PCCC là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác PCCC tại địa phương, cơ quan, đơn vị do mình quản lý. Tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCCC và CHCN. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc duy trì các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn các vụ cháy nổ xảy ra, nhất là việc quản lý, sử dụng hệ thống thiết bị điện và các chất cháy, hàng nguy hiểm cháy nổ. Thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động các đội dân phòng, các đội PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Lê Nam |
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Công an tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm an toàn PCCC trong thời điểm hanh khô, nắng nóng, công tác CHCN, phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa, bão; đảm bảo ANTT các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC và CHCN chuyên ngành, chuyên đề, địa bàn, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình trong việc đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC và CHCN theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC và CHCN bằng phương pháp trực quan, sinh động. Tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC và CHCN cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, đội PCCC cơ sở và chuyên ngành. Nâng cao hiệu quả công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CHCN 24/24 giờ.
Các đơn vị như, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC và CHCN; kịp thời biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác PCCC và CHCN, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” tại cơ sở đạt hiệu quả.
Đối với Sở Công thương, chỉ đạo các đơn vị điện lực kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện tại các khu công nghiệp, khu dân cư, phòng ngừa nguy cơ mất an toàn PCCC từ hệ thống, thiết bị điện; hướng dẫn người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp sử dụng điện an toàn. Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại chất, hàng hóa có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu vực đông dân cư để chủ động phòng ngừa cháy, nổ.
Các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư và quy hoạch xây dựng đối với các dự án, công trình trên địa bàn, đảm bảo thực hiện đúng các quy định và PCCC và CHCN. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phối hợp Công an tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện công tác phê duyệt quy hoạch dự án đầu tư, cấp giấy phép xây dựng cho các công trình, dự án thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ- CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC, kiên quyết không chấp thuận cho các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu cụm công nghiệp khi chưa đảm bảo yêu cầu về an toàn PCCC.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC tại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC. Đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra tình trạng mất an toàn PCCC tại địa bàn, cơ sở. Nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do lỗi chủ quan thì thủ trưởng đơn vị, địa phương nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về an toàn PCCC và CHCN đến các hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân. Gắn phong trào “Toàn dân PCCC” với các phong trào, cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phát động. Chủ động tổ chức hoạt động giám sát có liên quan đến công tác PCCC và CHCN để kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao an toàn PCCC nhằm xử lý, khắc phục những nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh.
HÀ SỰ