Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh lao. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế đã tham gia vào công tác kiểm soát để chấm dứt bệnh lao. Tuy nhiên, hàng năm số người tử vong do bệnh lao còn cao (khoảng 13.000 người/cả nước); còn nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện.
Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh lao chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện; hệ thống làm công tác phòng, chống bệnh lao còn hạn chế, công tác phòng, chống bệnh lao tại hệ thống y tế cơ sở chưa đồng đều và hiệu quả chưa cao; người dân còn kỳ thị, mặc cảm, chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm và quyền lợi chăm lo sức khỏe cho mình, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh...
Trung bình hàng năm, tỉnh Gia Lai phát hiện 650 đến 700 bệnh nhân lao mới. Ảnh: Như Nguyện |
Để kiểm soát bệnh Lao, nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, triển khai thực hiện Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế và của tỉnh trong công tác phòng, chống bệnh lao. Triển khai chủ động, hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống bệnh lao và Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao và xem đây là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến địa phương, trong đó ngành Y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm; từ đó nâng cao nhận thức đối với công tác phòng chống lao, về gánh nặng do bệnh lao gây ra cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội; bệnh lao là bệnh chữa khỏi được.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và thành viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống bệnh lao và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các nội dung, chương trình Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh. Làm đầu mối, chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, chống bệnh lao cho các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tăng cường rà soát và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý, dự phòng bệnh lao và “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế” theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với sở, ngành, cơ quan đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh; đặc biệt chú ý đến thu hút, ưu đãi đối với cán bộ làm công tác chống lao. Chỉ đạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống lao cấp tỉnh) triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh bám sát các nhiệm vụ trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 374/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống bệnh lao; Công điện số 25/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả triển khai về Sở Y tế và Ban chỉ đạo theo quy định.
Tỉnh Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh lao trên địa bàn. Ảnh: Như Nguyện |
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế; các cơ quan thông tấn trên địa bàn tỉnh và các địa phương, xây dựng kế hoạch truyền thông giáo dục sức khoẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng cho cộng đồng về phòng, chống bệnh lao; tăng cường công tác tuyên truyền về gánh nặng bệnh lao và công tác phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng.
Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm, trên cơ sở dự toán của Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí sự nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh lao, chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn và các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ tích cực tuyên truyền cho các thành viên và phối hợp với các cấp chính quyền để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh lao, chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 374/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống bệnh lao; Công điện số 25/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống bệnh lao của tỉnh Gia Lai đối với công tác phòng, chống bệnh lao.
UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Chương trình Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của địa phương; đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống lao; xây dựng các mục tiêu phòng, chống bệnh lao trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thường xuyên giám sát, kiểm tra việc triển khai thực Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao…