Bạn đọc

Gia Lai tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Gia Lai đã có 18 trẻ em bị tai nạn thương tích làm 15 trẻ tử vong, chiếm 83% tổng số trẻ em bị tai nạn thương tích; trong đó 12 trẻ tử vong do đuối nước, 1 trẻ tử vong do tai nạn giao thông và 2 trẻ tử vong do các loại tai nạn khác.

Mặc dù các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình này, ngày 4-4, UBND tỉnh Gia Lai có công văn số 783 /UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Ảnh: Như Nguyện

UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Ảnh: Như Nguyện

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 17-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Công điện số 01/CĐUBQGVTE ngày 4-4-2022 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em; Thông tư số 13/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30-9-2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; các văn bản của UBND tỉnh và các kế hoạch, văn bản khác có liên quan.

Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em, cảnh báo về các nguy cơ gây tử vong do đuối nước cho trẻ em.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về phòng ngừa, hạn chế tai nạn đuối nước, nhất là tai nạn đuối nước liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên trên các phương tiện thông tin đại chúng và không gian mạng bằng nhiều hình thức phù hợp, tiếp cận được đông đảo tầng lớp nhân dân. Vận động gia đình, nhà trường, các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia, có trách nhiệm trong việc phòng ngừa, hạn chế tai nạn đuối nước trên địa bàn, nhất là tai nạn đuối nước liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và chủ động trong việc tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em, cảnh báo về các nguy cơ gây tử vong do đuối nước cho trẻ em trong các bậc học, cấp học đối với trẻ em (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở), học sinh, sinh viên. Tuyên truyền, vận động gia đình, bố, mẹ, ông, bà và người thân không được chủ quan, lơ là, mà phải thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng và vào mùa mưa bão. Chủ động mở các các lớp dạy kỹ năng bơi cho học sinh, sinh viên và mở rộng phong trào dạy bơi, học bơi trong trường học; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho học sinh, sinh viên.

Các gia đình, nhà trường, các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia, có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc trẻ phòng ngừa tai nạn thương tích xảy ra cho trẻ. Ảnh: Như Nguyện

Các gia đình, nhà trường, các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia, có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc trẻ phòng ngừa tai nạn thương tích xảy ra cho trẻ. Ảnh: Như Nguyện

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa, hạn chế tai nạn đuối nước trong thanh thiếu niên, nhất là trẻ em; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động mở các lớp dạy kỹ năng bơi cho học sinh, sinh viên và phát động phong trào dạy bơi, học bơi, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trong thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương có nguy cơ cao về tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em…Kịp thời chỉ đạo rà soát, phát hiện các điểm nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em trên địa bàn, như: các hố sâu; hệ thống thoát nước tại các công trình xây dựng, công trình giao thông; các sông, suối, ao, hồ… để có các giải pháp phù hợp tối ưu nhằm đảm bảo phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em như: cắm biển cảnh bảo khu vực nguy hiểm; xây dựng rào chắn; trang bị dây, phao cứu sinh công cộng....Tuyên truyền, vận động người dân có các hồ tự đào phục vụ tưới tiêu cây trồng rà soát các điểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước để có biện pháp như gắn biển cảnh báo, rào chắn an toàn... ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước bằng hình thức phù hợp tại các ao, hồ thuộc sở hữu cá nhân.

Quan tâm hỗ trợ, đầu tư trang bị, cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công về công tác trẻ em nói chung, công tác phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp liên quan đến việc không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm và tử vong cho trẻ em.

Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm