(GLO)- Theo thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, từ đầu năm 2020 đến nay, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 17 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu (Kon Tum 5 ca, Đak Nông 12 ca); trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Đak Nông. Riêng tại Gia Lai, những năm qua bệnh Bạch hầu cũng đã xuất hiện tại huyện KBang, Chư Sê.
Người dân cần chủ động tiêm vắc xin Td để phòng tránh bệnh bạch hầu. Ảnh: Như Nguyện |
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu hiện nay, ngày 26-6, Sở Y tế Gia Lai có công văn khẩn số 1145/SYT-NVY về tăng cường phòng, chống dịch bệnh bạch hầu chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và các đối tượng nguy cơ để phát hiện các trường hợp mắc bệnh và người lành mang trùng; nếu nghi ngờ có dịch xảy ra, tiến hành khoanh vùng ổ dịch, xử lý triệt để, triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường tại các địa phương có ca bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin DPT cho trẻ em dưới 48 tháng tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin Td để phòng tránh bệnh bạch hầu cho cộng đồng theo các chỉ điểm dịch tễ phù hợp. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị y tế, hoá chất, thuốc điều trị dự phòng cho các trường hợp bị bệnh, nghi bệnh và những người tiếp xúc tại vùng ổ dịch, nơi điều trị.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai tăng cường các hoạt động truyền thông về bệnh bạch hầu và tác dụng trong tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức về tiêm chủng của người dân, khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin Td để phòng tránh bệnh bạch hầu; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, khi có triệu chứng như sốt, đau họng đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn điều trị.
Xây dựng Kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán sớm, điều trị bệnh bạch hầu cho cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại tuyến huyện, tuyến xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng sâu, vùng xa, vùng tiếp cận y tế khó khăn.
Đối với các đơn vị điều trị, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hoá chất, cơ số thuốc cấp cứu, điều trị, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để phục vụ công tác điều trị dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Tăng cường giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu ngay tại khu vực tiếp nhận khám bệnh ban đầu. Tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa các trường hợp mắc và tử vong; chủ động sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng cho các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân trong khu vực.
Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp đau họng, ho, khàn tiếng, viêm hầu họng và triển khai lấy mẫu xét nghiệm; nếu phát hiện ca bệnh thì khẩn trương khoanh vùng xử lý kịp thời triệt để, khống chế không để bùng phát thành dịch; tổ chức tốt hoạt động cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Như Nguyện