Sức khỏe

Gia Lai tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 28 ca mắc bệnh tay chân miệng (là trẻ dưới 5 tuổi), tăng 20 ca so với tuần trước đó và nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 93 ca, không có trường hợp tử vong.

Tuần qua, Gia Lai ghi nhận một ổ dịch tay chân miệng tại Trường Mẫu giáo Anh Đào (thôn An Hòa, xã Phú An, huyện Đak Pơ) với 13 trường hợp mắc bệnh và đã tạm ngừng hoạt động tại trường học này trong 10 ngày để khử khuẩn, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch theo quy định.

Hiện dịch bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai khuyến cáo các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng; trong đó ngành Y tế hướng dẫn cho các thầy cô giáo các triệu chứng chính của bệnh tay chân miệng gồm: sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối…Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Từ các triệu chứng điển hình trên, các thầy cô giáo theo dõi các học sinh, phát hiện sớm bệnh nhân và đưa đến cơ sở y tế kịp thời để phòng bệnh lây lan và bùng phát trong trường học.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: Như Nguyện
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: Như Nguyện

Để phòng bệnh tay chân miệng, các trường học cần thực hiện ba sạch: ăn sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt, rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tả và làm vệ sinh cho trẻ.

Các trường học thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải được đảm bảo rửa sạch sẽ trước khi sử dụng và tốt nhất là ngâm tráng nước sôi, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi…chưa được khử trùng.

Ngoài ra, các trường học cần thường xuyên lau sạch các bề mặt dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với những người bệnh, nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh…

Các thầy cô giáo cần theo dõi tình trạng sức khỏe cho trẻ hàng ngày, khi phát hiện trong lớp, trong trường có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng cần phải thông báo cho gia đình và cán bộ y tế để xử lý kịp thời, tránh dịch lây lan và bùng phát.

Có thể bạn quan tâm