Bạn đọc

Gia Lai tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, trong quý I năm 2024, tình hình tai nạn thương tích trẻ em diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng gây tử vong cho nhiều trẻ em tại một số địa phương.

Điển hình tại huyện Chư Sê xảy ra 1 vụ ăn thịt cóc làm 2 trẻ em tử vong và 1 trẻ bị ngộ độc; TP. Pleiku xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông làm 1 trẻ em tử vong và 2 trẻ bị thương, 1 vụ đuối nước làm 2 trẻ tử vong; huyện Đak Đoa xảy ra 3 vụ đuối nước làm 5 trẻ em tử vong; huyện Krông Pa xảy ra 1 vụ đuối nước làm 2 trẻ em tử vong...

Trẻ vui chơi ở các sông, hồ, ao, suối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh: Như Nguyện

Trẻ vui chơi ở các sông, hồ, ao, suối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh: Như Nguyện

Trước tình hình trên, để tăng cường công tác phòng-chống tai nạn thương tích và phòng-chống đuối nước trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức liên quan tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1248/QĐTTg ngày 17-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Công điện số 01/CĐUBQGVTE ngày 4-4-2022 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em về việc tăng cường công tác phòng-chống tai nạn thương tích, phòng- chống đuối nước trẻ em; Thông tư số 13/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30-9-2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; các văn bản của UBND tỉnh (Công văn số 894/UBND-KGVX ngày 19-4-2023 về việc tăng cường công tác phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh và Công văn số 2537/UBND-KGVX ngày 21-9-2023 về việc bảo đảm môi trường sống an toàn phòng-chống tai nạn, thương tích cho trẻ em trên địa bàn tỉnh).

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, cá nhân về phòng-chống tai nạn, thương tích và phòng-chống đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng-chống tai nạn, thương tích và phòng-chống đuối nước trẻ em bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến từng trường học, lớp học, thôn, bản, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.

Các địa phương rà soát, phát hiện kịp thời các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là khu vực hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm, hệ thống thoát nước, đập nước…thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới. Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Tăng cường hướng dẫn trẻ em các kỹ năng an toàn phòng-chống tai nạn thương tích, phòng-chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho trẻ em. Triển khai các can thiệp phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em thường gặp như: phòng-chống tai nạn giao thông, phòng-chống ngã, phòng-chống ngộ độc, phòng-chống bỏng, phòng-chống súc vật cắn.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo công tác phòng-chống tai nạn, thương tích và phòng chống đuối nước cho trẻ em. Vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em các nguy cơ gây tai nạn, thương tích và đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong dịp hè và mùa mưa bão, lũ.

Các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình tai nạn thương tích trẻ em xảy ra tại địa phương, đặc biệt các vụ việc nghiêm trọng và gây tử vong cho nhiều trẻ em; báo cáo kịp thời gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để kịp thời có các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả, phòng ngừa trước mắt và lâu dài; công tác hỗ trợ của các cấp chính quyền, tổ chức.

Có thể bạn quan tâm