(GLO)- Chiều 21-9, tại TP.Pleiku, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị tập huấn về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030.
Lãnh đạo các địa phương tham gia lớp tập huấn. Ảnh: Lê Nam |
Tham gia hội nghị tập huấn có hơn 250 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và 222 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, ông Ngô Tất Thắng-Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã giới thiệu kinh nghiệm tổ chức phong trào mỗi xã một sản phẩm ở Nhật Bản, Thái Lan và một số địa phương trong nước. Phong trào mỗi làng một sản phẩm tại Việt Nam giai đoạn 2005-2016 đã đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, một số địa phương đã phát triển thành công nghề truyền thống, làm hàng mỹ phẩm xuất khẩu, bảo tồn và phát triển làng nghề; hiện cả nước có 5.411 làng nghề; số lượng hộ và cơ sở nghề ở nông thôn tăng bình quân 8,8-9,8%/năm...
Đồng thời, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng hướng dẫn cho các đại biểu về chu trình OCOP, đăng ký sản phẩm; xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại sản phẩm...
Mỗi xã một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chương trình được triển khai ở toàn bộ khu vực bông thôn trong toàn quốc với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến hơn 96.158 tỷ đồng (trong đó, vốn do cộng đồng huy động hơn 90.156 tỷ đồng, vốn ngân sách hơn 6.002 tỷ đồng).
Sau hội nghị tập huấn, tỉnh ta sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.
Lê Nam