Theo đó, phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến 2030, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2024 đến 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến 2030.
Phong trào nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết, vai trò, tác động, ích lợi của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tạo cơ hội thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận bình đẳng với hệ thống giáo dục mở.
Một tiết thực hành của sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí (Trường Cao đẳng Gia Lai). Ảnh: Mộc Trà |
Có 6 nội dung trọng tâm của phong trào thi đua được đề ra để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Đầu tiên là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và mô hình học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số; thi đua học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập trong cộng đồng.
Cùng với đó, nghiên cứu, tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục chính quy và không chính quy, thiết chế văn hóa, các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các đối tượng học tập suốt đời.
Ngoài ra, triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Bên cạnh thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người dân, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc còn cần thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập. Đồng thời, thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa, tích cực tham gia thành phố học tập toàn cầu.
Người dân được tạo cơ hội thuận lợi để tiếp cận bình đẳng với hệ thống giáo dục mở. Ảnh: Mộc Trà |
Kế hoạch cũng xác định tiêu chí thi đua đối với cấp tỉnh, huyện; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội; các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh; doanh nghiệp; hộ gia đình, dòng họ, cá nhân… gắn với 6 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện.
Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phù hợp với từng lĩnh vực của đời sống xã hội, các vùng miền, tầng lớp nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị được học tập suốt đời; đồng thời, hướng dẫn, triển khai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đảm bảo nội dung, chất lượng, tiến độ.