Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Thịt heo tiếp tục đội giá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giá heo hơi tại tỉnh Gia Lai trong mấy ngày qua đã lên hơn 80 ngàn đồng/kg, đẩy giá bán lẻ thịt heo tại các chợ tăng thêm 5-10 ngàn đồng/kg. Như vậy, những nỗ lực đưa giá heo hơi về mức 70 ngàn đồng/kg đã không thể thực hiện được trong thời điểm này.

 

Giá heo hơi tăng cao, thương lái lùng mua

Nếu cách đây 2 tuần, giá heo hơi xuất chuồng tại các trang trại trên địa bàn tỉnh dao động quanh mức 70-75 ngàn đồng/kg thì trong vòng mấy ngày qua đã lên đến hơn 80 ngàn đồng/kg. Bà Huỳnh Thị Tuyết Lan (thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho biết: Trang trại của bà còn 200 con heo con và 200 con heo thịt đạt trọng lượng hơn 80 kg. Tuy giá ở mức cao và thương lái đến tận nơi đặt mua nhưng heo xuất chuồng phải đạt trọng lượng trên 1 tạ thì người nuôi mới có lãi. “Cách đây 3 ngày, giá heo hơi được thương lái đưa ra là 80 ngàn đồng/kg và giờ đã lên 85-88 ngàn đồng/kg nhưng trang trại của tôi cũng không còn lứa nào đến kỳ xuất chuồng”-bà Lan nói.

 Giá thịt heo tại các chợ đang dao động ở mức 120-170 ngàn đồng/kg. Ảnh: V.T
Giá thịt heo tại các chợ đang dao động ở mức 120-170 ngàn đồng/kg. Ảnh: V.T



Tương tự, bà Nguyễn Thị Quỳnh Liên (thôn 3, xã Diên Phú, TP. Pleiku) cho hay, gia đình bà vừa nuôi heo nái, vừa nuôi heo thịt. Vừa qua, bà mới xuất bán lứa heo thịt cho thương lái với giá 70-75 ngàn đồng/kg hơi. Hiện thương lái đang ráo riết tìm mua heo với giá cao hơn nhưng bà cũng như nhiều hộ chăn nuôi không còn heo để bán.

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, nếu thuận lợi thì một lứa heo nuôi trong 4 tháng để đạt trọng lượng xuất chuồng, người nuôi sẽ lãi hơn 1 triệu đồng/con. Tuy nhiên, thời điểm này, giá heo giống, giá cám đều tăng nên người nuôi chưa chắc lãi được chừng đó. Giá heo tăng cao được nhận định là do ảnh hưởng của đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua khiến tổng đàn giảm mạnh, dẫn đến thiếu nguồn cung. Mặt khác, mấy ngày nay xuất hiện tình trạng thương lái từ các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định đến các trang trại lùng mua heo rất nhiều với giá 85-88 ngàn đồng/kg heo hơi, cao so với mức giá trung bình ở khu vực miền Trung.

Thịt heo bán lẻ cũng tăng giá

 


Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, tổng đàn heo trên địa bàn hiện có khoảng 305 ngàn con. Trong 3 tháng đầu năm nay, các trang trại heo trên địa bàn đã xuất bán ra thị trường khoảng 70 ngàn con heo, gồm 10 ngàn con heo giống và 60 ngàn con heo thịt.
 

Qua khảo sát giá tại một số chợ cho thấy, giá heo hơi tăng cao đã đẩy giá bán lẻ thịt heo tăng thêm 5-10 ngàn đồng/kg. Cụ thể, giá sườn non 150-170 ngàn đồng/kg (tăng 10 ngàn đồng/kg), thịt ba chỉ 130-150 ngàn đồng/kg (tăng 10 ngàn đồng/kg), thịt nạc vai 140 ngàn đồng/kg (tăng 10 ngàn đồng/kg), xương heo 100-120 ngàn đồng/kg (tăng 5 ngàn đồng/kg), chân giò 120 ngàn đồng/kg (tăng 5 ngàn đồng/kg)…

Lý giải về điều này, chị Nguyễn Thị Sương-tiểu thương chợ Thống Nhất (TP. Pleiku) cho biết: Từ 3 ngày nay, các lò mổ đã tăng 5-10 ngàn đồng/kg tùy loại heo mảnh hay heo miếng. Giá nhập cao nên giá bán lẻ cũng tăng thêm 5-10 ngàn đồng/kg. “Thịt tăng cao quá rất khó bán bởi bây giờ thu nhập trong dân giảm nhiều. Giá tăng đã đành mà lượng thịt cung cấp từ các lò mổ cũng không dồi dào như trước”-chị Sương nói.

Thịt heo là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên khi giá tăng cao đã khiến người dân thêm khó khăn, nhất là trong lúc đanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian cũng khiến giá thịt heo bị đẩy lên cao. Các ngành chức năng cũng thừa nhận, giá chênh lệch qua các khâu trung gian quá lớn nhưng không thể quản lý được. Bởi lẽ, hoạt động chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ trên địa bàn đều riêng lẻ, không có tính liên kết theo chuỗi, do đó qua mỗi khâu sẽ được định giá theo kiểu thuận mua vừa bán.

Tái đàn để tăng nguồn cung


 

Tái đàn để tăng nguồn cung. Ảnh: Lê Nam
Tái đàn để tăng nguồn cung. Ảnh: Lê Nam

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh tái đàn heo nhằm tăng nguồn cung cho thị trường. Theo ông Võ Văn Yên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku, từ khi xảy ra dịch tả heo châu Phi đến nay, việc tái đàn chưa đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường nên giá heo bị đẩy lên rất cao. Người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn do giá heo giống và giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, cộng với nỗi lo dịch bệnh quay trở lại. Hiện trên địa bàn TP. Pleiku có 20 trang trại chăn nuôi heo quy mô vừa (từ 30 đến dưới 300 con) và 34 trang trại quy mô nhỏ (từ 10 đến dưới 30 con).

Còn ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê thì cho biết: “Huyện đã lập kế hoạch tái đàn heo theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế dịch bệnh”. Trong khi đó, theo ông Diệp Đại Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa, sau khi hết dịch tả heo châu Phi, người dân cũng bắt đầu tái đàn. Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp với các xã thống kê đàn heo để quản lý và hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc bảo đảm an toàn sinh học và phòng-chống dịch bệnh.

Nhằm đáp ứng một phần nhu cầu heo giống cho người chăn nuôi tái đàn, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đang duy trì 200 con heo nái sinh sản và 35 con heo đực giống. Ông Cao Nguyên Khanh-Giám đốc Trung tâm-cho biết: Giá heo thịt và heo giống trên thị trường đang tăng mạnh, trong khi heo giống cũng đang khan hiếm. Trung tâm đang nỗ lực sản xuất để đảm bảo nguồn heo giống chất lượng cung ứng cho các hộ chăn nuôi mỗi tháng 300-400 con.

 VŨ THẢO-NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm