Kinh tế

Gia Lai: Thống nhất phương án vay lại để đầu tư dự án hiện đại hóa thủy lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội đồng nhân dân tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 424/NQ-HĐND thống nhất phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ để đầu tư dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai.

Dự án Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai được triển khai tại huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Mục tiêu cụ thể của dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng tưới tiêu hiện đại thích ứng biến đổi khí hậu, áp dụng các biện pháp quản lý nước hiệu quả ở nội đồng.

Công trình thủy lợi Ia Mláh, huyện Krông Pa. Ảnh: Hà Duy

Theo nghị quyết, dự án có tổng mức đầu tư 440,036 tỷ đồng, tương đương 18,999 triệu USD. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 318,031 tỷ đồng, tương đương 13,731 triệu USD (Trung ương cấp phát 70% là 222,62 tỷ đồng, tương đương 9,612 triệu USD; UBND tỉnh Gia Lai vay lại 30% là 95,409 tỷ đồng, tương đương 4,119 triệu USD); vốn viện trợ không hoàn lại là 6,941 tỷ đồng, tương đương 0,3 triệu USD; vốn đối ứng Ngân sách tỉnh là 115,064 tỷ đồng, tương đương 4,968 triệu USD.

Khoản vay của dự án được áp dụng theo lãi suất SOFR (lãi suất vay SOFR kỳ hạn 6 tháng (biến động thị trường + chênh lệch 0,5% + phí niên hạn 0,1% + phí cam kết 0,15% + phí quản lý cho vay lại 0,25%). Đối với khoản nợ gốc (95,409 tỷ đồng, tương đương 4,119 triệu USD), tỉnh trả nộp trong vòng 20 năm, bình quân 205.969 USD/năm, tương đương 4,77 tỷ đồng/năm. Đối với phần lãi và phí (3.776.037 USD, tương đương 87,45 tỷ đồng), tỉnh trả trong vòng 25 năm.

Hàng năm, tỉnh sẽ cân đối bố trí nguồn trả nợ gốc vay, lãi, phí và các chi phí liên quan theo quy định (đối với nợ gốc được bố trí từ nguồn vốn chi đầu tư phát triển trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo; đối với lãi, phí và các chi phí liên quan sẽ được bố trí trong dự toán đầu năm của ngân sách địa phương).

Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trong việc rà soát mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm đề nghị vay lại, không vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; đảm bảo chính xác về số liệu trong phương án sử dụng vốn vay, phương án vay lại và trả nợ vay khi đàm phán hiệp định.

Có thể bạn quan tâm