Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai tích cực hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 6-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành-Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ nông dân sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong tình hình dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Thị trường hàng hóa tương đối ổn định

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, Tổ phó Thường trực-cho biết: Dự lường tình hình dịch Covid-19, Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cho người dân với mục tiêu vừa phòng-chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện phương châm “Chống dịch như chống giặc” trên tinh thần 4 tại chỗ: “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng: “chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hà Duy
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hà Duy


Giám đốc Sở Công thương cho hay: “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị phân phối, doanh nghiệp thương mại chủ chốt trên địa bàn tỉnh kích hoạt và triển khai ngay kế hoạch dự trữ hàng hóa, tăng số lượng bán ra gấp đôi so với ngày thường, đồng thời bám sát tình hình thị trường, không để tình trạng khan hàng hoặc có hành vi tăng giá quá mức xảy ra. Chúng tôi cũng khuyến khích các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, giao dịch bằng hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp, giao hàng tận nhà để hạn chế tập trung đông người; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết”.

Thực hiện Công điện số 20/CĐ-UBND ngày 27-8-2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách để phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Pleiku, các sở, ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp bằng việc hướng dẫn đăng ký “luồng xanh”, dán mã QR Code để được qua chốt kiểm tra, thực hiện giải pháp “Một cung đường, hai điểm đến” trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa có lịch trình, địa điểm giao nhận hàng cụ thể. Đến nay, tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản được triển khai thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa ra và vào tỉnh. Nhìn chung, thị trường hàng hóa tương đối ổn định, lượng hàng tại doanh nghiệp và thị trường đảm bảo, đa dạng chủng loại, không xảy ra tình trạng găm hàng, giữ hàng và khan hàng.

Bên cạnh đó, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để công bố danh sách các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn TP. Pleiku, thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Cùng với đó là kết nối với các doanh nghiệp bưu chính lớn trên địa bàn tỉnh (Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Gia Lai) bố trí phương tiện vận chuyển, kho bãi để cung cấp hàng hóa thiết yếu đến người dân, bảo đảm vận chuyển hàng hóa thông suốt.

Vẫn còn khó khăn

Tuy vậy, theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà một số sản phẩm nông nghiệp không xuất được vào TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác dẫn tới bị dồn ứ. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp phía Nam tạm dừng hoạt động khiến mặt hàng này thiếu hụt, giá cả tăng cao, gây khó khăn cho nông dân.

 Người dân vận chuyển nông sản lên xe “luồng xanh” để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Đức Thụy
Người dân vận chuyển nông sản lên xe “luồng xanh” để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Đức Thụy


Cũng đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: “Các mặt hàng rau củ quả tại xã An Phú và Chư Á, khi thực hiện Chỉ thị 16, lượng tiêu thụ đến Quảng Nam và Đà Nẵng diễn ra bình thường, thông suốt, nhưng vận chuyển đi tiêu thụ tại các huyện, thị xã trong tỉnh lại khá khó khăn. Do giao dịch giữa các tỉnh với chủ vựa rau chủ yếu thực hiện qua Zalo, điện thoại và được vận chuyển bằng xe “luồng xanh” nên không bị ảnh hưởng; trong khi đó, rau củ quả đi đến các huyện, thị xã chủ yếu tập kết ở chợ đêm Pleiku, hai bên mua-bán phải gặp gỡ trực tiếp với nhau. Vì vậy, khi thực hiện Chỉ thị 16, việc gặp gỡ không thể diễn ra khiến việc giao thương bị chững lại. Vì thế, rau củ quả tại Pleiku bị xuống giá mạnh, nông dân đang rất khó khăn”.

Còn ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang thì cho rằng: “Huyện đang gặp khó khăn đối với “hệ thống phân phối tại chỗ”. Tôi đề nghị cần thành lập chợ thương mại điện tử nhằm giúp nông dân biết giá cả đầu ra-đầu vào; nơi nào có sản phẩm gì. Ngành Công thương cần hỗ trợ đào tạo đội ngũ shipper có năng lực để đưa hàng hóa đến với người dân các xã. Hiện tại, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong xúc tiến các hoạt động đầu tư do không đến TP. Pleiku làm thủ tục được, mong Tổ công tác có hướng tháo gỡ. Để tránh việc đứt gãy trong quá trình sản xuất kinh doanh, các huyện cần tạo điều kiện cho công nhân được qua lại làm việc, tất nhiên phải đảm bảo nguyên tắc phòng-chống dịch”.

Chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi

Theo ông Phạm Văn Binh, để chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của dịch Covid-19 trong thời gian đến, Tổ công tác sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, bình ổn thị trường trong tỉnh; chủ động điều phối hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Đồng thời, triển khai các kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hóa trong điều kiện phòng-chống dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội nhưng phải đảm bảo đời sống, sinh kế của người dân. Trong đó, trọng tâm là xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển, tăng cường năng lực sơ chế, chế biến, dự trữ nông sản, đảm bảo an toàn phòng-chống dịch bệnh.

Cánh đồng lúa của nông dân huyện Phú Thiện. Ảnh: Hà Duy
Người dân huyện Phú Thiện chăm sóc lúa. Ảnh: Hà Duy


Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-nêu quan điểm: “Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài. Vì vậy, đối với 3 khâu sản xuất-lưu thông-tiêu thụ cần có sự thay đổi phương thức thích hợp, đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trước hết là kết nối đầu vào nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thông qua giao dịch điện tử, sản xuất thông minh hơn (tưới từ xa, theo dõi từ xa...); quảng bá và giao dịch điện tử. Cùng với đó, tăng cường quảng bá thương hiệu qua nhiều kênh như: báo đài, tin nhắn, website, Zalo, Facebook...; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Trong điều kiện có dịch như bây giờ, việc sử dụng dịch vụ bưu chính là phương án tối ưu”.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: Hiện nông dân vẫn chưa mặn mà với việc tham gia các sàn thương mại điện tử. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm, vận động người dân tham gia vì nó hoàn toàn miễn phí. Cần tăng cường hơn nữa công tác quảng bá, tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, thương mại số, chuyển đổi số cho hộ và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Sở Công thương cần nghiên cứu kinh nghiệm của các tỉnh như Vĩnh Phúc, Cần Thơ... để phổ biến và triển khai tại Gia Lai.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng ta là hỗ trợ nông dân trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, không để sản phẩm làm ra bị ứ đọng, tồn kho; đồng thời, đảm bảo nguồn cung cầu về vật tư nông nghiệp không bị đứt gãy. Vì vậy, đề nghị các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Thông tin và Truyền thông tích cực phối hợp làm tốt công tác tổ chức kết nối các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong tình hình hiện tại. Tổ công tác sẽ giúp nông dân hình thành cái “nền” cho kinh tế số, thương mại số”.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm