Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: "Tiếp sức" cho công nghiệp nông thôn phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ở Gia Lai đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.  

Ưu tiên hỗ trợ ngành nghề thế mạnh

Để mở rộng quy mô sản xuất, chị Lê Thị Cẩm Như-chủ Cơ sở macca Minh Quang Gia Lai (38 Trần Hưng Đạo, thị trấn Kbang) đã làm đề án xin hỗ trợ kinh phí khuyến công để mua buồng sấy mắc ca và máy hút chân không. Với tổng vốn đầu tư 400 triệu đồng, cơ sở đã được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) duyệt hỗ trợ 50% giá trị máy móc.

Chị Như chia sẻ: “Khi nhận thấy cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân đã đầu tư trồng với diện tích lớn. Nếu sản xuất thủ công như trước thì cơ sở chúng tôi sẽ không tiêu thụ hết sản lượng mắc ca nguyên liệu trong dân. Do đó, cơ sở quyết định đầu tư máy móc hiện đại để nâng công suất của buồng sấy lên 1 tấn/mẻ/48 giờ”.

 Đóng hộp sản phẩm trà túi lọc tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Ảnh: V.T
Đóng hộp sản phẩm trà túi lọc tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Ảnh: Vũ Thảo


Cũng như cơ sở của chị Như, vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) được hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư dây chuyền sản xuất trà túi lọc. Anh Trần Văn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã-cho biết: Được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020, Hợp tác xã đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm và thay đổi mẫu mã, bao bì. Với dây chuyền mới, công suất hoạt động tối đa có thể đạt 100 hộp/giờ (1 hộp 30 túi lọc).

“Hợp tác xã đưa 2 sản phẩm trà túi lọc gồm trà đinh lăng và trà măng tây vào sản xuất. Dây chuyền máy móc hiện đại này đã khắc phục được những hạn chế so với phương pháp thủ công trước đây là chỉ cho ra sản phẩm thô, không có túi lọc. Hiện tại, chúng tôi cũng đang làm hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP”-anh Công nói.

Thời gian qua, hoạt động khuyến công đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Công tác khuyến công đã nhận được sự quan tâm của các ngành, địa phương và sự ủng hộ nhiệt tình của các cơ sở CNNT trong tỉnh. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng kế hoạch khuyến công bám sát nhu cầu thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở CNNT tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ này. Qua đó, các cơ sở sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Tạo đà thúc đẩy CNNT phát triển

Trong giai đoạn 2014-2020, tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 10,2 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 9,51 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 712 triệu đồng.

Từ nguồn kinh phí này, ngành chức năng đã hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho 1 cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới, công nghệ mới; hỗ trợ 18 cơ sở chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến; tổ chức 2 hội chợ, triển lãm hàng CNNT, tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp; hỗ trợ mở 1 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm; 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực.

Riêng trong năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công hơn 2,1 tỷ đồng sẽ thực hiện các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến các loại nông sản chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, tinh dầu...

 Ngành chức năng nghiệm thu đề án hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến nông sản tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Ảnh: V.T
Ngành chức năng nghiệm thu đề án hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến nông sản tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Ảnh: Vũ Thảo

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, tuy đạt được những kết quả nhất định, song kinh phí địa phương dành cho chương trình này còn quá thấp so với nhu cầu của các cơ sở CNNT. Mặt khác, việc triển khai đề án khuyến công quốc gia về ứng dụng máy móc, thiết bị lại rất hạn chế, chỉ tập trung vào các đề án khuyến công quốc gia điểm, nhóm và mô hình trình diễn kỹ thuật.

Vì thế, các doanh nghiệp của tỉnh khó có cơ hội để được nhận gói hỗ trợ từ các đề án điểm này. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, do nền kinh tế thế giới suy thoái nên các cơ sở CNNT gặp nhiều khó khăn về đầu ra nên chưa mạnh dạn đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất.

Về định hướng thời gian tới, bà Thu cho biết, Trung tâm sẽ ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT về hoạt động trình diễn kỹ thuật, đầu tư, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, chế biến, rút ngắn thời gian sản xuất giúp hạ giá thành sản phẩm, tận thu, giảm thiểu hao hụt, thất thoát nguồn nguyên liệu.

“Đặc biệt, đơn vị sẽ khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên, giảm thiểu khí phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe con người”-bà Thu thông tin thêm.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm