Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai tiếp tục giảm sâu trên bảng xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực cũng như sự “chậm chân” của các doanh nghiệp trong việc áp dụng thương mại điện tử (TMĐT) vào hoạt động kinh doanh đã khiến Gia Lai luôn có vị thứ rất thấp trên bảng xếp hạng Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI).

 Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ký kết hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Atalink (TP. Hồ Chí Minh) về triển khai các giải pháp chuyển đổi số. Ảnh: H.D
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai ký kết hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Atalink (TP. Hồ Chí Minh) về triển khai các giải pháp chuyển đổi số. Ảnh: Hà Duy

Ra đời năm 2012, bảng xếp hạng EBI được VECOM xây dựng dựa trên 4 chỉ số thành phần: nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT; giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng; giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giao dịch giữa Chính phủ với doanh nghiệp.
 

Ông Nguyễn Thanh Hưng-Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đánh giá: “Năm 2020 có ý nghĩa nổi bật trên con đường phát triển TMĐT nước ta. Với người tiêu dùng, đây là năm cuối cùng của một thập kỷ mà mua sắm qua mạng đã trở nên phổ biến và mỗi dịp cuối năm, hàng triệu người tiêu dùng háo hức đón nhận những chương trình khuyến mại trực tuyến. Còn với doanh nghiệp, đây là dấu mốc chuyển đổi từ nhận thức sang hành động, nghĩa là làm sao triển khai TMĐT một cách hiệu quả. Với các cơ quan và tổ chức, năm 2020 là điểm giữa của giai đoạn 10 năm được dự đoán là giai đoạn vàng của TMĐT Việt Nam”.

Nhìn vào bảng xếp hạng EBI năm 2020, điểm trung bình toàn quốc là 41,6 điểm và tăng 1,3 điểm so với năm 2019. Cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước (29 điểm) và nhóm 5 địa phương cao nhất (69,8 điểm) lên tới 40,8 điểm. Năm nay, trong số 55 tỉnh, thành được khảo sát, vị trí EBI của Gia Lai là 46 với 32,3 điểm, xếp thứ 4 khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng xếp vị trí 24, Đak Lak 36 và Đak Nông 44), giảm 1 bậc so với năm 2019 và giảm 3 bậc so với năm 2018.

Phân tích cụ thể đối với 4 chỉ số thành phần cho thấy, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đều không có vị trí cao. Song đáng nói là Gia Lai “đội sổ” ở chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) với 22,1 điểm, xếp vị trí 55/55. Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT đánh giá phù hợp trong lĩnh vực TMĐT, tính thuận tiện trong quá trình tuyển dụng nhân sự chuyên trách cũng như cơ cấu trong việc đầu tư nhân sự chuyên trách, mức độ lao động thường xuyên sử dụng email hay các công cụ hỗ trợ khác như: Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo... trong công việc.

Ở chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, Gia Lai xếp vị trí 37 của cả nước với 39,5 điểm và đứng thứ 3 của khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng xếp vị trí thứ 16 với 49,4 điểm và Đak Nông ở vị trí 35 với 40,4 điểm). Chỉ số này thể hiện việc xây dựng website của doanh nghiệp, tần suất cập nhật thông tin trên website, ứng dụng bán hàng qua mạng xã hội, tham gia các sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động, tình hình nhận đơn đặt hàng, doanh thu từ kênh trực tuyến...

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-nhận định: “Thương mại điện tử không chỉ là phương thức mua sắm quen thuộc của người dân thành thị mà với cả người tiêu dùng nông thôn. Với các ưu điểm như: chi phí thấp, mức độ phổ biến rộng... các doanh nghiệp cần tận dụng triệt để để quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh mới có khoảng trên 400 doanh nghiệp có website, các website cũng còn sơ sài, thiếu thông tin”.

Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai bắt đầu quan tâm phát triển TMĐT. Ảnh: Hà Duy
Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai bắt đầu quan tâm phát triển TMĐT. Ảnh: Hà Duy


Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp phản ánh mức độ năng động của doanh nghiệp trong các hoạt động điều hành hệ thống nội bộ cũng như thể hiện ở việc sử dụng chữ ký điện tử, sử dụng hợp đồng điện tử, nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến, tỷ lệ đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động của doanh nghiệp. Ở chỉ số này, Gia Lai chỉ xếp vị trí 47 với 21,3 điểm.

Chỉ số về giao dịch Chính phủ và doanh nghiệp phản ánh tính minh bạch thông tin của các địa phương đối với doanh nghiệp thông qua hệ thống cổng thông tin của địa phương cũng như mức độ hoàn thiện của các dịch vụ công trực tuyến như: thủ tục khai báo thuế, đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận… Điểm trung bình của chỉ số này năm nay là 66,1 điểm và Gia Lai đạt 66,3 điểm, xếp vị trí 33/55.  

Chủ tịch VECOM nhận định: “Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nắm chắc kỹ năng kinh doanh trực tuyến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tất cả các tỉnh, thành có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển của TMĐT nước ta trong giai đoạn tới”. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của tỉnh phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chú trọng phát triển TMĐT để tận dụng tối đa cơ hội tiếp cận khách hàng cả trong và ngoài nước từ sự bùng nổ của internet.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm