Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai tìm giải pháp phát triển rừng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 12-11, tại TP. Pleiku, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Trường Đại học Lâm nghiệp-Phân hiệu Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý, phát triển lâm nghiệp bền vững ở Gia Lai”.

Chủ trì hội thảo gồm: PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai; PGS-TS. Bùi Thế Đồi-Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai và ThS. Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Tham dự hội thảo có GS-TS. Phạm Văn Điển-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành; đại diện các ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng

Mở đầu hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Danh nhấn mạnh: “Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý và phát triển rừng, tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh vẫn tiếp tục suy giảm; tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 3 trong các tỉnh Tây Nguyên và thấp hơn bình quân chung của toàn vùng; tình trạng lấn chiếm và phá rừng vẫn diễn ra. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn, góp phần đưa việc quản lý và phát triển rừng bền vững ở tỉnh nhà lên một bước mới, hướng đến sự bền vững”.        

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Thi


Tham luận tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan thông tin: Theo kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và công bố hiện trạng rừng năm 2019, tổng diện tích đất có rừng của Gia Lai là hơn 633.325 ha, trong đó có 543.131 ha rừng tự nhiên, hơn 90.193 ha rừng trồng và khoảng trên 146.636 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Giai đoạn 2016-2020, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 430,3 ha (giảm 303,76 ha so với giai đoạn 2011-2015); có 3.534 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện và xử lý (giảm 2.577 vụ so với giai đoạn 2010-2015).

Tỉnh cũng đã vận động người dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp tự nguyện kê khai và chuyển đổi sang trồng rừng (trồng được trên 21.368 ha rừng tập trung và khoảng 4.272 ha cây phân tán); khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên chuyển tiếp với 1.300 lượt ha/năm. Chất lượng rừng trồng không ngừng được cải thiện; sản lượng gỗ rừng trồng trong 5 năm của toàn tỉnh đạt 406,95 ngàn m3.

Tổng diện tích rừng được khoán quản lý, bảo vệ bình quân mỗi năm 147.803 ha. Việc giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu cho các đơn vị chủ rừng và thí điểm giao đất, giao rừng cho cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 34/34 chủ rừng đang triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; Công ty TNHH một thành viên MDF Vinafor Gia Lai đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với 3.443 ha rừng trồng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Gia Lai vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; năng lực đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm của các chủ rừng còn hạn chế; một số cơ chế, chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn nhiều bất cập; việc di cư tự do, xâm canh, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phổ biến; công tác quy hoạch, quản lý các cơ sở chế biến gỗ còn bộc lộ sự thiếu chặt chẽ; diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân bố chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp nên khó gắn kết thành vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

Sau khi so sánh số liệu về thực trạng rừng ở Gia Lai từ trước năm 2000 đến nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển thẳng thắn nêu ý kiến: Diện tích rừng tự nhiên và tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh giảm nhiều, trong khi đó, dư địa phát triển rừng ở địa phương còn khá lớn (đất lâm nghiệp chiếm tới 56,2% tổng diện tích tự nhiên). Diện tích rừng trồng hàng năm ở tỉnh cũng không nhiều với các cây trồng chủ yếu là cao su, bạch đàn đỏ, thông ba lá và keo lai; lượng khai thác từ rừng trồng không lớn. Ngoài ra, ngân sách nhà nước đầu tư cho lâm nghiệp không nhiều, giá trị xuất khẩu lâm sản còn ít; việc canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp tuy giảm nhưng vẫn còn phổ biến.

Liên quan đến vấn đề quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, PGS-TS. Bùi Thế Đồi-Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai-nhấn mạnh: Đây không chỉ là xu thế khách quan toàn cầu trong quản trị rừng mà còn là yêu cầu tất yếu của thị trường gỗ và lâm sản quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích rừng được thực thi quản lý bền vững và cấp chứng chỉ rừng ở vùng Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai còn quá ít so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do hạn chế về nguồn kinh phí, nhân lực; thiếu hệ thống tổ chức, cơ quan quản lý đầu mối, thiếu mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; thiếu kết nối thị trường.

Đề xuất nhiều giải pháp căn cơ

Trên cơ sở phân tích những khó khăn, hạn chế, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững ở Gia Lai trong thời gian đến. Theo GS-TS. Phạm Văn Điển, tỉnh cần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, nhất là rừng tự nhiên bằng giải pháp khoanh nuôi và tạo nguồn thu từ rừng tự nhiên; trồng rừng sản xuất kết hợp cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ với cung cấp giá trị dịch vụ môi trường rừng.

“Một trong những hướng giải quyết mâu thuẫn trong sử dụng đất rừng hỗ trợ canh tác nông nghiệp mà không gây mất rừng, đó là chuyển những diện tích nương rẫy, cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp thành cây rừng đa mục đích. Bên cạnh đó, cần triển khai chính sách “rừng sinh kế”, giao rừng cho người dân, cộng đồng với định suất 1-2 ha/hộ từ diện tích rừng do UBND xã đang tạm quản lý. Nhiều hộ di dân đến nhưng chưa có đất sản xuất, tỉnh có thể hỗ trợ mua đất lâm nghiệp để làm sinh kế”-ông Điển đề xuất.

Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tổ chức tuần tra. Ảnh: Nguyễn Diệp
Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tổ chức tuần tra. Ảnh: Nguyễn Diệp

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: “Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu” là 1 trong 4 chương trình trọng tâm mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đã xác định để chỉ đạo phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, hội thảo lần này rất phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tầm quan trọng của rừng đối với môi trường sống của cộng đồng; góp phần giúp địa phương bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách, tìm ra mô hình phù hợp nhất để chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển rừng thời gian đến”.
 

Áp dụng “Tiếp cận cảnh quan” là giải pháp mà ông Trần Hữu Nghị-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos) Việt Nam đưa ra tại hội thảo nhằm phát triển rừng bền vững ở Gia Lai. Theo ông Nghị, phục hồi cảnh quan rừng chính là phục hồi rừng dựa vào đặc thù về điều kiện tự nhiên, tài nguyên gắn với đặc điểm về văn hóa, dân tộc, xã hội, kinh tế, chính sách tại địa phương.

Thời gian đến, Gia Lai nên triển khai thí điểm mô hình phục hồi rừng trên quan điểm cảnh quan, sau khi hoàn thiện phương pháp tiếp cận thích hợp, kèm theo tập huấn và công tác truyền thông; có phương án xử lý, phục hồi những diện tích đất nông nghiệp trong quy hoạch đất lâm nghiệp theo hướng nông-lâm kết hợp, trồng bổ sung cây thân gỗ, cây ăn quả; rà soát quy hoạch lâm nghiệp, thực hiện giao lại rừng và đất lâm nghiệp gắn với trách nhiệm bảo vệ rừng; kiểm soát tình trạng dân di cư; có chính sách hưởng lợi thỏa đáng cho các chủ thể quản lý, đặc biệt là người nhận rừng, phục hồi và phát triển rừng.

Thiết lập trung tâm đào tạo về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho vùng Tây Nguyên; xây dựng hệ thống tài liệu, hướng dẫn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; đào tạo đội ngũ chuyên gia; tăng cường kết nối kiến tạo chuỗi giá trị gỗ giữa công ty lâm nghiệp với các cơ sở chế biến và thương mại gỗ… là một số đề xuất của PGS-TS. Bùi Thế Đồi. Theo ông, những giải pháp này sẽ góp phần giải quyết sự thiếu hụt nhân lực ngắn hạn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở các địa phương; cung cấp thông tin và nâng cao kiến thức, nâng cao năng lực cho các bên liên quan; tiến tới thiết lập đơn vị cấp chứng chỉ rừng là người Việt Nam được FSC hoặc PEFC ủy quyền.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ phía các chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Chín-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) cho rằng: Hiện nay, trách nhiệm giữ rừng là hết sức nặng nề. Do vậy, để lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng an tâm công tác, Trung ương cần có chính sách ưu đãi cho lực lượng này tương đương như chính sách phụ cấp lương đối với cán bộ Kiểm lâm địa bàn; sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP liên quan đến lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Ông Chín cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép các đơn vị chủ rừng khai thác nhựa cây thông ở rừng trồng sản xuất theo quy định hiện hành nhằm giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đồng thời tạo nguồn thu ngân sách nhà nước và nguồn thu bổ sung cho các hoạt động sự nghiệp của chủ rừng.

 NGUYỄN DIỆP-HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm