Tham dự lễ trao trả hồ sơ cán bộ đi B và triển lãm tài liệu lưu trữ có các đồng chí: Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh; Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan; đại diện lực lượng vũ trang; các cựu chiến binh và cán bộ đi B, thân nhân cán bộ đi B đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lam Nguyên |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã ôn lại một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của dân tộc. Năm 1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định, nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành 2 miền qua vĩ tuyến 17. Dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh vì sự nghiệp thống nhất đất nước chuyển sang một giai đoạn mới. Đảng và Chính phủ đề ra cho cách mạng mỗi miền những nhiệm vụ chiến lược phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu cách mạng từng miền, nhằm chấm dứt tình trạng chia cắt đất nước
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, bên cạnh chi viện về vật chất, quân trang, quân dụng, thuốc men, lương thực, thực phẩm cùng với lực lượng quân đội, nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, rời xa gia đình, người thân lên đường làm nhiệm vụ Tổ quốc giao với tinh thần hăng say lao động, sản xuất trên các công trường, xưởng máy ở miền Bắc.
Sau đó, họ và cả những cán bộ, nhân dân miền Bắc đã tình nguyện, lặng lẽ âm thầm vượt dãy Trường Sơn chi viện sức người cho cuộc chiến đấu ở miền Nam. Đó là một nhiệm vụ cách mạng bí mật, cao cả, vinh quang, được gọi với mật mã “đi B”, góp phần vào kỳ tích lịch sử dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Theo quy định, những cán bộ vào Nam chiến đấu chỉ được mang theo những đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát. Tất cả tư trang hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật đều phải gửi lại (gọi chung là hồ sơ cán bộ đi B).
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Lam Nguyên |
Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh nhận định: “Buổi lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B và triển lãm tài liệu lưu trữ nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ là dịp để chúng ta tỏ lòng tri ân đến các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng của quân và dân cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.
Mặt khác, việc làm này cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tuyên truyền, sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; cung cấp thêm thông tin để các thân nhân cán bộ đi B giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng. Hoạt động này còn nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ theo tinh thần của Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Dịp này, UBND tỉnh long trọng bàn giao 40 hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ, thân nhân cán bộ đi B. Đây là năm đầu tiên tỉnh tổ chức trao trả hồ sơ trực tiếp thay vì bàn giao cho các cá nhân, địa phương như những năm trước.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái trân trọng trao trả hồ sơ cho các cán bộ đi B và thân nhân cán bộ đi B. Ảnh: Lam Nguyên |
Có 40 hồ sơ được trao trả dịp này. Ảnh: Lam Nguyên |
Cùng với đó, tại Phòng trưng bày, triển lãm (Bảo tàng tỉnh), tỉnh ra mắt triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”.
Triển lãm chia thành 3 phần nội dung gồm: Trưng bày 116 hồ sơ cán bộ đi B (huân, huy chương chiến thắng và một số thư từ, tài liệu liên quan); trưng bày tài liệu lưu trữ về thương binh, liệt sĩ và người có công; các quyết định của Chủ tịch nước, Hội đồng Bộ trưởng... về việc tặng huân, huy chương kháng chiến cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân tỉnh Gia Lai.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 31-7.
Dưới đây là một số hình ảnh tại triển lãm.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Lam Nguyên |
Các đại biểu tìm hiểu danh sách cán bộ đi B chưa xác minh được thông tin tại triển lãm. Ảnh: Lam Nguyên |
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hồng Hợp (TP. Pleiku), cán bộ đi B duy nhất có mặt tại chương trình để nhận lại hồ sơ, kỷ vật. Ảnh: Lam Nguyên |
Khách tham quan tìm hiểu về hồ sơ, kỷ vật đi B. Ảnh: Lam Nguyên |
Một "ngăn ký ức" trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Lam Nguyên |