Xã hội

Đời sống

Trao trả hồ sơ cán bộ đi B: Ân tình, trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), theo dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh Gia Lai, 41 hồ sơ cán bộ đi B sẽ được trao trả cho cán bộ hoặc thân nhân của họ sau gần nửa thế kỷ lưu trữ nghiêm cẩn.

Đây vừa là trách nhiệm, vừa là ân tình dành cho những người đã tận hiến đời mình cho cách mạng.

Từ cuối năm 1959, do yêu cầu của cách mạng, hàng trăm cán bộ của tỉnh tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève năm 1954 đã bí mật vượt Trường Sơn trở lại miền Nam công tác. Theo quy định, những cán bộ vào Nam chiến đấu chỉ được mang theo những đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát. Tất cả hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật đều phải gửi lại (gọi chung là hồ sơ cán bộ đi B).

Theo thống kê của Sở Nội vụ, đến nay, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã tiếp nhận 241 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B. Cụ thể, 211 hồ sơ tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, 21 hồ sơ từ Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh Đắk Lắk, 9 hồ sơ từ Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh Kon Tum.

Sau khi tiếp nhận, Sở Nội vụ đã tổ chức rà soát, xác minh thông tin liên quan đến cán bộ đi B rồi tổ chức bàn giao, trao trả 83 hồ sơ cho các cá nhân và địa phương; trong đó nhiều nhất là 2 huyện Kbang và Kông Chro (mỗi huyện 15 hồ sơ).

Đến nay, 73 hồ sơ đã trở về với các cán bộ đi B hoặc thân nhân, chiếm tỷ lệ 30,2%. Trước khi nhận lại hồ sơ, đa phần cán bộ hoặc thân nhân của họ đều đã được giải quyết chế độ chính sách.

Viên chức Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh kiểm tra hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trước khi trao trả. Ảnh: P.D

Viên chức Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh kiểm tra hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trước khi trao trả. Ảnh: P.D

Trên thực tế, công tác lưu trữ và trao trả hồ sơ cán bộ đi B gặp không ít khó khăn do sau ngày giải phóng miền Nam, nhiều đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi. Cán bộ đi B hầu như đã hy sinh trên chiến trường hoặc đã qua đời vì già yếu, bệnh tật; gia đình thân nhân nhiều cán bộ không còn cư trú tại địa phương. Mặt khác, có những cán bộ đi B do các bộ, ban, ngành Trung ương cử đi nên chính quyền địa phương không nắm được hoặc nhiều người đã sinh sống ở các tỉnh khác…

Để phát huy hiệu quả khối hồ sơ, kỷ vật đi B trong thời gian tới, Sở Nội vụ đề xuất tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, công bố, giới thiệu hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B trên các trang thông tin, báo chí. Qua đó, cán bộ đi B hoặc thân nhân có thể tiếp cận được hồ sơ một cách nhanh chóng, chính xác.

Mới đây, UBND tỉnh đã dự thảo kế hoạch trao trả hồ sơ cán bộ đi B và tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024). Dự thảo này đã được Sở Nội vụ gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị góp ý, điều chỉnh, bổ sung.

Việc trao trả hồ sơ cán bộ đi B và triển lãm tài liệu lưu trữ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tuyên truyền sâu rộng về chủ nghĩa anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; đồng thời, cung cấp cho các cơ quan chức năng cũng như các địa phương những căn cứ quan trọng để xem xét giải quyết những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách của bản thân và gia đình cán bộ đi B.

Trao đổi với P.V, bà Trịnh Thị Thu Hương-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh-cho biết: Trước đây, hồ sơ cán bộ đi B được bàn giao cho các địa phương để tiến hành trao trả cho cán bộ hoặc thân nhân. Dịp 27-7 năm nay là lần đầu tiên tỉnh tổ chức mời cán bộ đi B hoặc thân nhân đến tham dự buổi triển lãm và trực tiếp trao trả hồ sơ.

Trong số 41 hồ sơ cán bộ đi B sắp được trao trả đợt này có hồ sơ của ông Rcom Thép (bí danh Định, Ama Quang), một người con Jrai ưu tú, kiên trung của Đảng, từng được giao nhiều trọng trách khác nhau: Phó Trưởng ban Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại khu Trung Trung Bộ; Phó Trưởng ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại Khu V; Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum… Năm 2002, theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, tên ông được đặt cho một tuyến đường ở TP. Pleiku-đường Ama Quang.

Hồ sơ, kỷ vật đi B của ông Rcom Thép. Ảnh: P.D

Hồ sơ, kỷ vật đi B của ông Rcom Thép. Ảnh: P.D

Biết tin hồ sơ của cha mình sẽ được trao trả, bà Nay Hồng Tâm-Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thị xã Ayun Pa-chia sẻ: “Đây là tin vui của gia đình, thật đáng trân quý. Gia đình sẽ cất giữ cẩn thận vì hồ sơ này là kỷ vật hết sức quý giá, “kể lại” cho con cháu về sự cống hiến của ông cha mình cho cách mạng để có được ngày độc lập hôm nay”.

Có thể bạn quan tâm