Sức khỏe

Gia Lai: Triển khai thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ về an toàn thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Văn phòng UBND tỉnh vừa có công văn thông báo ý kiến của UBND tỉnh về triển khai thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. 
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành: Y tế; Công thương; Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố, đặc biệt là việc kinh doanh, chế biến các sản phẩm thực phẩm như hải sản, nội tạng động vật giá rẻ.
Kiểm tra ATTP tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: Như Nguyện
Kiểm tra ATTP tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: Như Nguyện
Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm, quản lý theo nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trước đó, kết luận cuộc họp về an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương chủ động xây dựng và quyết liệt tổ chức thực hiện kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian còn lại của năm 2022, xác định và tập trung vào một số nhiệm vụ trọng điểm, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, cùng các bộ: Nông nghiệp và PTNT, Công thương tập trung tổ chức vận hành hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm, bảo đảm để người dân, doanh nghiệp có công cụ nhận diện các địa chỉ, sản phẩm thực phẩm an toàn. Tiếp tục bám sát, làm việc kỹ với các tỉnh, thành phố liên quan về việc thí điểm tổ chức Ban quản lý an toàn thực phẩm để thống nhất báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định mô hình tổ chức, quyền hạn cụ thể của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, đặc biệt các vấn đề như thẩm quyền thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính; cơ chế sử dụng số tiền xử phạt vi phạm hành chính để bố trí chi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; nghiên cứu việc giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện một phần của công tác thanh tra an toàn thực phẩm.
Về vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm kết luận tại Thông báo số 211/TB-VPCP ngày 20-7-2022 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp trong quản lý hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo trên mạng xã hội. 
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra việc đưa chất gây nghiện vào một số loại thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ uống; Bộ Công thương tăng cường kiểm tra, có giải pháp phù hợp xử lý tình trạng ngộ độc rượu; tăng cường xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc; chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tăng cường cảnh báo nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng rượu tự pha chế không rõ nguồn gốc.
LỆ HẰNG
 

Có thể bạn quan tâm